Hành trình “chinh phục thế giới” của món ăn số 1 trong lòng sinh viên

Hành trình

Mỳ ăn liền có thể nói là món ăn thống trị Trái đất tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng tất cả đều phải có sự khởi đầu.

Sẽ là không sai khi nói món ăn đang thống trị thế giới hiện nay chính là mỳ ăn liền – hay “mỳ tôm” theo cách gọi của đa số người Việt chúng ta. Sinh viên ngày cuối tháng? Mỳ tôm trường kỳ! Đêm đói? Làm bát mỳ ngủ cho ngon! Lười nấu ăn? Mỳ tôm là sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn!

Đành rằng mỳ ăn liền không đem lại điều gì ngoài cảm giác no bụng, thậm chí có tác dụng phụ là… to bụng, mọc mụn, nhan sắc phai tàn đi trông thấy.

Nhưng bất chấp tất cả, mỳ ăn liền đã trở thành một thứ gì đó “tự nhiên như hơi thở”, khi có tới hơn 100 tỉ gói mỳ được tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới.


Mỳ ăn liền đã trở thành một thứ gì đó “tự nhiên như hơi thở”.

Tất nhiên, mọi thứ đều có sự khởi đầu. Ít ai biết được rằng khởi nguồn của mỳ ăn liền tiện dụng ngày nay là cả một quá trình nghiên cứu, sáng tạo cùng tham vọng cực kỳ vĩ đại.

Sản phẩm “cứu đói quốc dân” của Nhật Bản

Thế chiến II kết thúc vào năm 1945 kéo theo tai hoạ đến cho người Nhật: nạn đói. Người dân chẳng còn thức ăn nữa, thực phẩm sản xuất không đủ.

Lúc này, chính phủ Mỹ quyết định ra tay tương trợ, cung cấp cho người Nhật những bao lúa mỳ, đồng thời khuyến khích họ sản xuất bánh mỳ.


Người dân Nhật thời xưa.

Nhưng với lòng tự tôn dân tộc, một số người Nhật cảm thấy rất khó hiểu, khi tại sao họ lại phải sản xuất bánh mỳ – một món ăn của phương Tây, trong khi có thể bám sát truyền thống với món mỳ ramen. Vấn đề chỉ là bánh mỳ có thể lưu trữ lâu hơn mỳ tươi mà thôi.

Momofuku Ando, một thương gia người Osaka từng có 2 năm ở tù vì tội trốn thuế cũng có chung câu hỏi như vậy. Và ông quyết định dành cả năm trời để nghiên cứu, tạo nên một loại ramen có thể lưu trữ được lâu. Tham vọng của ông, dĩ nhiên, là để cứu hàng triệu người Nhật khỏi nạn chết đói.


Momofuku Ando – huyền thoại mỳ ăn liền của Nhật Bản.

Nhưng thách thức dành cho Ando không hề dễ dàng. Ông cần một công thức đơn giản, dễ làm, để được lâu nhưng đồng thời phải giữ lại được hương vị cùng hình dạng đặc biệt của sợi mỳ.

Sau hàng ngàn thất bại, rốt cục đến một ngày, khi đang giúp vợ chuẩn bị đồ ăn tối, ông tình cờ bỏ một ít vắt mỳ vào trong chảo dầu. Và đó là thời điểm ông nhận ra rằng: chiên sợi mỳ trong dầu ăn chính là chìa khóa của vấn đề.

Bằng cách chiên nhanh qua dầu, mỳ sẽ được khử nước. Đồng thời, phương pháp này tạo ra khoảng trống giữa các vắt mỳ, cho phép mỳ chín lại chỉ trong vòng vài phút bằng nước sôi.

Rốt cục, sản phẩm mỳ ăn liền đầu tiên xuất hiện vào năm 1958, cùng với sự ra đời của Nissin Foods – tập đoàn chuyên sản xuất mì ăn liền lớn nhất Nhật Bản hiện nay.

Trở thành món ăn thống trị thế giới


Khi mới ra đời, gói mì ramen ăn liền có giá còn cao hơn cả mỳ tươi trong các nhà hàng.

Thực ra, khi gói ramen ăn liền đầu tiên xuất hiện trên thị trường, nó có giá còn cao hơn cả mỳ tươi trong các nhà hàng thời bấy giờ.

Nhưng dần dần, giá trị của mỳ cũng giảm xuống thành hạng bình dân khi Ando đẩy mạnh sản xuất, đưa cái tên Ando trở thành huyền thoại của Nhật Bản. Đến năm 2000, khi thành phố Tokyo tổ chức một cuộc bầu chọn về phát minh quan trọng nhất trong thế kỷ 20, ramen ăn liền đứng thứ nhất.

Qua thời gian, có thể nói thời đại của mỳ ăn liền thực sự bùng nổ. Sau năm 1978 khi mỳ cốc xuất hiện, mỗi năm Nissin tiêu thụ đến 40 tỉ gói mỳ.


Mỳ ăn liền ngày nay đã được cải tiến với nhiều hương vị và lựa chọn hơn.

Tính đến năm 2015, khoảng 98 tỉ gói được tiêu thụ trên toàn cầu. Mỳ ăn liền ngày nay đã được cải tiến với nhiều hương vị và lựa chọn hơn, thậm chí có cả loại mỳ làm hoàn toàn từ thực vật dành cho những người ăn chay.

Vậy đó, lần sau mỗi khi úp một bát mỳ, hãy nghĩ đến câu chuyện vĩ đại đằng sau nó để… ăn ngon hơn.

Ngoài ra, ăn ít mỳ thôi, không bổ béo gì đâu.

 

Theo Trí Thức Trẻ