Theo nhiều cách khác nhau, gần như tất cả vùng nước của các đại dương thế giới đều đã bị con người huỷ hoại, trong đó 41% bị suy thoái nặng, một nghiên cứu tiết lộ hôm qua.
Đây là nghiên cứu trên quy mô toàn cầu đầu tiên về ảnh hưởng của con người đối với hệ sinh thái biển, công bố trên tạp chí Science. Theo đó, các vùng ven biển đang bị ô nhiễm bởi chất thải; các bãi hàu và ngư trường đang biến mất dần; các hòn đảo nổi do rác tập kết đang chiếm cứ dần những mặt nước thoáng trước đây…
Tuy nhiên, suy thoái lớn nhất là từ việc biến đổi khí hậu. “Nó gây ra những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc”, đồng tác giả Kim Selkoe, tại Đại học Hawaii, nhận định.
Sự thay đổi đáng kể trong nhiệt độ nước biển đã được quan sát thấy ở Bắc Đại Tây Dương từ năm 1995 và 2005, trái đất ấm lên sẽ còn làm tăng nhiệt độ ở nhiều vùng khác nữa. Nước biển tăng cao làm các sinh vật phù du phát triển mạnh, và thay đổi vị trí các loài trong chuỗi thức ăn. Nó cũng gia tăng tỷ lệ bệnh tật và làm thay đổi sự tuần hoàn của đại dương. Các đại dương cũng đang trở nên chua dần khi chúng hấp thụ CO2, và thực vật thì phải hứng thêm nhiều bức xạ cực tím.
“Một điều ngạc nghiên khác với tôi là các dữ liệu cho thấy 80% các đại dương đã bị con người đánh bắt cá“, Selko nói. “Không có nơi nào còn lại cho cá ẩn náu…, các con thuyền đánh cá gần như hiện diện khắp mọi nơi”. Việc đánh bắt thương mại gây ảnh hưởng nặng nề nhất với việc đổ đi hàng triệu kg cá, chim và thú chết không mong muốn. Điều đó đe doạ sự sống của nhiều loài phụ thuộc vào chúng như rùa, cá heo…
Giao thông đường thuỷ là yếu tố phá hoại mạnh thứ ba, chỉ đơn giản là vì chúng quá nhiều. “Khi nhìn lên bản đồ giao thông của tàu bè, nó bao phủ dày đặc các đại dương thế giới”, Selko nói.
Các vùng nước bị ảnh hưởng nặng nhất trên trái đất bao gồm những vùng lớn thuộc biển Bắc, biển Đông và Nam Trung Quốc, biển Caribbe, bờ phía đông Bắc Mỹ, biển Địa Trung Hải, biển Đỏ, vịnh Ba Tư, biển Bering và một vài vùng ở tây Đại Tây Dương.
Chỉ còn 3,7% đại dương được xem là vùng bị ảnh hưởng rất thấp, và chúng nằm ở những vùng gần cực, nơi băng bao phủ vĩnh viễn hoặc theo mùa, cản trở hoạt động của con người.
Theo T. An (AFP, Vnexpress)