Muỗi bị tuyệt chủng có thể làm suy giảm số lượng nhiều loài động vật như chim, côn trùng, cá, chuyên ăn muỗi hoặc ấu trùng muỗi.
Nếu bị tuyệt chủng, 3.500 loài muỗi trên Trái Đất hiện nay sẽ biến mất. Trong số đó, khoảng 200 loài muỗi có khả năng hút máu người và ba loài Anopheles, Culex, Aedes truyền bệnh nguy hiểm như sốt rét và sốt vàng da, theo How Stuff Works.
Muỗi là tác nhân làm lây truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. (Ảnh: BBC).
Muỗi đã sống trên Trái Đất hơn 100 triệu năm và trở thành một phần quan trọng của chuỗi thức ăn. Ví dụ, tại vùng lãnh nguyên Bắc Cực, nhiều loài muỗi là thức ăn của chim di cư. Nếu muỗi biến mất, số lượng chim trong khu vực có thể giảm hơn một nửa. Các nhà khoa học dự đoán điều tương tự cũng xảy ra với nhiều loài cá trên thế giới ăn ấu trùng muỗi.
Do đó, muỗi bị tuyệt chủng gây ra hiệu ứng gợn sóng (ripple effect) làm giảm số lượng nhiều loài côn trùng, cá và chim nằm ở mắt xích cao hơn trong chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, muỗi tuyệt chủng mang lại một số lợi ích nhất định. Những căn bệnh nguy hiểm lây truyền thông qua muỗi đốt không còn xuất hiện. Ví dụ, bệnh sốt rét giết chết khoảng 1 triệu người và làm 246 triệu người mắc bệnh mỗi năm.
Nhiều nhà khoa học dự đoán, trong khi một số động vật ăn muỗi bị chết đói, số còn lại sẽ tìm kiếm những con mồi khác để tồn tại. Chúng sẽ thích nghi với cuộc sống mới và không bị tuyệt chủng theo muỗi.
Các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều cách để tiêu diệt muỗi, trong số có phương pháp di truyền khiến muỗi sinh nhiều con đực hơn. Năm 2014, nhóm nghiên cứu tại trường Imperial College London, Anh, tạo ra muỗi biến đổi gene bằng cách sử dụng enzyme tác động đến nhiễm sắc thể X trong quá trình sản xuất tinh trùng, khiến hầu hết muỗi sinh ra là con đực. Với thế hệ sau gồm chủ yếu là muỗi đực, muỗi sẽ không thể phát triển mạnh mẽ.
Theo VnExpress