Hãy cứ để con được “sống chậm”…

Tôi nhớ, trước đây từng có cái slogan quảng cáo đình đám với nội dung đại khái là “cuộc sống không chờ đợi điều gì”. Và nhiều bạn trẻ đã coi đó là style, họ hình dung về một cuộc sống nhanh chóng, ồn ào và quyết liệt đúng chất “không chờ đợi”. Hồi ấy tôi nhớ mình khoảng 16 tuổi. Bản thân tôi không thích cái “style nôn nóng” ấy, nhưng cũng không đủ lý lẽ, sự rạch ròi trong tư duy để phản bác. Tôi chỉ cảm thấy nó chung chung quá, rằng đời sống hiện đại này coi trọng sự “không chờ đợi”, coi trọng cuộc sống quyết liệt và sòng phẳng quá, chắc không hoàn toàn đúng…

Nhiều năm đã qua, câu chuyện cũ ấy lần nữa được nhắc lại khi một hôm, trên mục tư vấn của một fanpage về nuôi dạy con, tôi thấy chị bạn có cô con gái học lớp 6 muốn tham khảo ý kiến các mẹ khác về việc con mình viết chậm quá. Cô bé viết chữ rất đẹp, nhưng khi lên cấp 2, do môi trường thay đổi, phải viết nhanh hơn nên không thể ghi bài kịp theo các bạn. Nhiều người khuyên, nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Có người nói rằng cố giữ gìn chữ đẹp làm gì, cứ viết láu lỉnh cũng được, miễn sao ghi bài cho kịp giờ. Nhưng ngươi mẹ ấy nói rằng con gái cô quá yêu thích việc viết chữ đẹp, nên đành viết chậm chứ không phải vì người mẹ gây áp lực gì cho con. Chính chị bạn tôi cũng khuyên con nên viết bút bi và có thể viết xấu đi cũng được nhưng con gái chị ấy nhất nhất ghi bài bằng bút mực, chấp nhận mượn vở của các bạn về chép bài thêm ở nhà chứ không chịu để cho chữ của mình xấu đi. Mẹ con bé rất lo, chị bảo, cứ nghĩ đến cảnh sau này con mình làm gì cũng chậm hơn người khác, làm gì cũng chỉ để ý, nặng nề về hình thức quá thì cuộc sống sẽ phức tạp thêm bao nhiêu. Chị ấy bày tỏ đến đây thì lại có người khác hùa theo, đem cái slogan quảng cáo “không chời đợi” vốn đình đám một thời ra nhắc lại. Tôi bật cười.

Cái thời của lối tư duy bao cấp, chịu ảnh hưởng nặng nề phong kiến đi qua, người ta phủ nhận hết những gì ì trệ, không thực chất một cách cực đoan. Đến nỗi cuộc sống không có nổi những khoảng lặng, những khoảng dừng cần thiết. Đến nỗi người ta định hình mọi thứ bằng tốc độ, bằng sự tự do tuyệt đối, phóng khoáng thênh thang và gạt bỏ ra mọi điều vướng bận, dường như chỉ cần thực sự “muốn” là “làm” mọi việc. Thậm chí, kỹ năng ân hận, suy nghĩ, đắn đo cũng được người ta khuyên nhau nên rèn luyện để gạt bỏ ra khỏi tâm trí mình. Chỉ cần không ai làm ảnh hưởng đến ai, không ai phán xét ai, mỗi một người đều được quyền quyết định nhanh gọn nhất, thẳng thừng nhất mọi việc liên quan đến cuộc sống của mình.

Có phải thế không mà có những người mẹ cảm thấy lo âu khi con mình nhất nhất ưa thích việc viết những nét chữ bằng bút mực, cực kỳ nắn nót, vì sợ con không theo kịp những “cuộc đua” của đời. Sợ con đắn đo nhiều quá mất đi cơ hội. Sợ con chậm chạp quá sẽ không được đánh giá cao và không đủ nhanh nhạy ứng phó với những nguy cơ của đời. Sợ con không thắng, sợ con bị thua, sợ con thiệt thòi, sợ con chậm trễ, sợ con chỉ sống “viển vông” với những tiêu chí mà đa số mọi người chẳng mấy quan tâm?

Tôi tuyệt đối không ủng hộ cái cách mà người ta bắt những đứa trẻ phải gò lưng luyện chữ. Viết chữ đẹp cũng giống như làm bánh. Cứ vui thì làm, nếu không muốn làm thì đi mua cũng chẳng có gì là sai. Viết chữ, quan trọng nhất là truyền đạt thông điệp về nội dung. Nếu cá tính đứa trẻ cảm thấy không hứng thú với nét chữ đẹp và mềm mại thì chỉ cần yêu cầu nó đạt được thông tin chính xác về nội dung là được. Nhưng nếu đứa trẻ thực sự ưa thích nét đẹp của cách trình bày, thì tại sao lại phải lo âu? Lẽ nào, những đứa trẻ không quan tâm đến nét đẹp của chữ lại bị ép buộc phải viết cho giống với quan niệm đẹp. Trong khi những đứa trẻ thực sự quan tâm và yêu thích nó thì bị chỉ trích? Vậy điều gì phù hợp với niềm vui của đứa trẻ đang say sưa luyện chữ? Lẽ nào vì mọi người đều mua bánh mà ai đó không được quyền tự làm nên những chiếc bánh của mình?

Tôi nhớ mãi bài nói chuyện của vị thiền sư mà tôi kính trọng. Ông nói, hồi mới thực tập, ông luôn rửa bát chậm hơn người khác. Nhưng ông làm việc với tất cả niềm vui và sự thảnh thơi. Về sau quen việc thì tốc độ cũng có nhanh hơn nhưng vẫn thuộc nhóm “chậm chạp”. Nhưng ông không bận tâm điều ấy. Chúng ta không phải là những người thiền sư, không mấy người có ý định tu hành. Nhưng chúng ta cũng giống như thiền sư ấy ở chỗ, lấy niềm vui làm mục đích sống. Những niềm vui hiện thực, giản dị mà bàn tay ta có thể tạo ra. Niềm vui ấy chắc cụ thể và thuận lợi để tạ lập hơn là tiền bạc.

Nên tôi nghĩ, với các em bé, viết chậm cũng không phải vấn đề gì lớn. Chỉ cần các em vui, thế là đủ!

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.