Theo kết quả từ nghiên cứu mới nhất, người hay thức khuya sẽ thấy chiếc váy màu xanh – đen, trong khi nhóm dậy sớm nhận định nó là màu vàng – trắng.
Được đăng tải lần đầu vào ngày 25/2/2015 bởi Caitlin McNeill – nữ ca sĩ 22 tuổi người Scotland – tại Tumblr, câu hỏi về màu sắc của chiếc váy nhanh chóng trở thành chủ đề hot trên mạng.
Không chỉ có hai phe “xanh – đen” và “vàng – trắng”, một số người thậm chí nhìn chiếc váy mỗi lần ra một màu sắc khác nhau. Thực tế, nó có màu xanh – đen.
2 năm qua, nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm lời đáp cho thắc mắc: Vì sao 2 người xem ảnh (trên cùng màn hình, thời điểm) lại khẳng định chiếc váy có màu hoàn toàn khác nhau?
Bức ảnh chụp chiếc váy khiến hàng chục triệu người tranh cãi được Caitlin chia sẻ trên mạng (trái). Hình ảnh cho thấy màu sắc thật của sản phẩm do hãng sản xuất Roman Originals (Anh) cung cấp. (Ảnh: Caitlin McNeill, PA).
Theo BuzzFeed, nhà thần kinh học thuộc ĐH New York, Mỹ – Pascal Wallisch – bắt đầu tiến hành nghiên cứu lý do nhiều người cùng nhìn một vật, song lại nhận xét khác nhau về màu sắc của nó, một tháng sau khi chiếc váy xanh – đen hay vàng – trắng “gây bão” mạng.
TS Wallisch khảo sát trực tuyến hơn 13.000 người từng xem bức ảnh chiếc váy. Họ được hỏi rằng khi được chụp, nó có ở chỗ thiếu ánh sáng không. Quả thật, cách người tham gia khảo sát nhìn nhận khía cạnh này ảnh hưởng lớn tới nhận xét về màu sắc.
Cụ thể, trong số những người nghĩ chiếc váy được chụp trong bóng tối, cứ 5 lại có 4 người tin rằng nó có màu vàng – trắng. Tuy nhiên, chỉ một nửa số người thuộc nhóm đưa ra ý kiến chiếc váy được chụp chỗ sáng, cho rằng nó có màu này.
TS Wallisch đưa ra giả thuyết giờ giấc sinh hoạt của con người, hay cụ thể hơn là thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, là yếu tố quyết định sự khác biệt.
TS Wallisch chứng minh khi giảm màu vàng trong bức ảnh gốc, chiếc váy có màu xanh – đen. (Ảnh: Daily Mail).
“Bức ảnh gốc quá lóa, điều kiện ánh sáng không được rõ ràng. Bởi vậy, chúng tôi tìm hiểu cách trang phục được chiếu sáng ảnh hưởng đến màu sắc chúng ta nhìn thấy như thế nào.
Bóng tối màu xanh lam, nên khi dùng phần mềm giảm mức độ của màu này ở bức ảnh, chiếc váy rõ ràng có màu vàng – trắng. Tương tự, ánh sáng nhân tạo thường có màu vàng. Vì vậy, khi giảm màu này, chúng ta có chiếc váy màu xanh – đen.
Như vậy, khi đánh giá màu sắc của một vật, điều kiện ánh sáng phải được tính đến”, TS người Mỹ giải thích.
Nói một cách đơn giản, những người dậy sớm, đi ngủ sớm và tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có khả năng cao nhìn thấy chiếc váy có màu trắng – vàng.
Ngược lại, hội “cú đêm” – những người tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng nhân tạo – sẽ thấy nó có màu xanh – đen.
TS Wallisch nói thêm: “Kết quả này chứng minh các loại ánh sáng có ảnh hưởng tới cách con người cảm nhận màu sắc. Các yếu tố như giới tính, tuổi tác ảnh hưởng rất ít”.
Đối với những nhà khoa học từng nghiên cứu vấn đề tương tự, kết quả khảo sát của TS Wallisch được đăng tải tại tạp chí Arvojournals có ý nghĩa khá lớn, bởi nó có quy mô lớn nhất tính đến nay.
Gia đình của Caitlin McNeill (ngoài cùng bên trái) – người khơi mào cho cuộc chiến bất tận về màu sắc của chiếc váy – từng được MC nổi tiếng Ellen DeGeneres tặng 10.000 USD. (Ảnh: Ellen Show).
Bà Lisa Feldman Barrett – GS tâm lý học tại ĐH Northeastern, Mỹ – bày tỏ với BuzzFeed rằng kết quả của TS Wallisch rất thuyết phục. Bà thuộc nhóm nhìn thấy chiếc váy màu vàng – trắng và phù hợp với những mô tả của ông.
GS nghiên cứu tại Viện ĐH Duke, Mỹ – Dale Purves – cho rằng mặc dù nghiên cứu của TS Wallisch khá rõ ràng và có cơ sở, ông vẫn nghĩ giả thuyết đó chưa giải thích đầy đủ hiện tượng. Ông Purves thuộc nhóm dậy sớm, song thấy chiếc váy có màu xanh – đen.