Bạn có tin tồn tại một sinh vật với tinh trùng dài 5,8cm – gấp 1.000 lần kích cỡ tinh trùng con người không?
Sinh vật có tinh trùng dài gấp 20 lần cơ thể
Bạn nghĩ sinh vật nào có… tinh trùng dài nhất hành tinh? Hẳn nhiều người sẽ nói ngay rằng – sinh vật đó chắc phải to cỡ voi, hoặc cá voi – những sinh vật có ngoại hình cực “khủng” đúng không?
Nếu vậy thì bạn sai rồi. Câu trả lời đúng là ruồi – với tinh trùng dài khoảng 5,8cm – tức là lớn gấp 20 lần chiều dài của chính cơ thể nó, và gấp 1.000 lần kích cỡ tinh trùng của con người.
Ruồi và “búi tinh trùng” như quả bóng trong cơ thể.
Điều này đã được xác nhận trong một nghiên cứu của hai trường ĐH Manchester và Zurich (Thụy Sĩ). Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy kích cỡ và số lượng tinh trùng đều phụ thuộc vào kích cỡ cơ thể của động vật.
Cụ thể, kích cỡ cơ thể càng lớn thì số lượng tinh trùng trong một lần “thăng hoa” càng nhiều, nhưng kích cỡ thì nhỏ hơn. Ví dụ như chuột trong một lần có thể sản xuất 9,5 triệu tinh trùng dài 124 micromet, trong khi đó voi có thể sản sinh tới 200 tỉ tinh trùng, nhưng chỉ dài 56 micromet. Còn của cá voi xanh – sinh vật lớn nhất hành tinh là 30 micromet.
Voi khổng lồ nhưng kích cỡ tinh trùng chỉ bằng một nửa loài chuột.
Để thực hiện được nghiên cứu này, các nhà khoa học đã dựa trên thông số tinh trùng: chiều dài, số lượng trong một lần phóng tinh… của hơn 1.000 động vật.
Lý giải cho phát hiện này, tiến sĩ Stefan Luepold thuộc ĐH Zurich cho biết: “Những loài vật có kích cỡ càng lớn như voi, tinh trùng của chúng sẽ phải chịu nguy cơ “thất lạc” trong bộ phận sinh dục khổng lồ của cá thể cái. Chính vì thế, tinh trùng của các loài này sẽ tự thu gọn lại và nhường chỗ cho số lượng.
Trong khi đó, ở các loài động vật nhỏ, rủi ro này gần như không tồn tại, nên kích cỡ tinh trùng lớn – đồng nghĩa với tốc độ tiếp cận trứng nhanh hơn – là một lợi thế sinh tồn”.
|
Theo Trí Thức Trẻ