Bằng cách đánh lừa bộ não của người dùng để họ tưởng rằng đang đi theo đường thẳng nhưng thực ra là đi trên đường cong nhẹ, các nhà nghiên cứu Nhật đã tạo nên công nghệ có thể giúp người dùng thoải mái di chuyển trong thế giới thực tế ảo vô tận nhưng chỉ cần căn phòng chưa tới 30 mét vuông ngoài đời thật. Phải chăng vấn đề chơi game thực tế ảo không bị đụng tường đã được giải quyết triệt đề?
Làm thế nào để đi bộ thoải mái trong thế giới rộng lớn của thực tế ảo mà không bị đụng vào tường hoặc các chướng ngại vật ngoài đời thật tại nhà của bạn? Chắc chắn rằng khi nhắc tới thế giới thực tế ảo thì nhiều người sẽ có thắc mắc này và trước giờ, chúng ta hay nghĩ tới một thiết bị giống như máy chạy bộ hoặc tương tự thế. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học Nhật cho biết họ đã có giải pháp gọi là “phản hồi thị giác trong VR”,cho phép tạo nên những lối đi ảo vô tận trong “sân chơi VR” mà chỉ cần có căn phòng xấp xỉ 4×7 mét vuông.
Đây là giải pháp cho phép tạo nên những lối đi ảo vô tận trong “sân chơi VR” mà chỉ cần có căn phòng xấp xỉ 4×7 mét vuông.
Với tên gọi “đổi hướng đi bộ”, nhóm nghiên cứu tại Đại học Tokyo cho biết về cơ bản công nghệ này sẽ đánh lừa não bộ của người dùng để họ suy nghĩ rằng đang đi theo một đường thẳng nhưng thực ra là trên một đường cong nhẹ bằng cách cho họ xem hình ảnh đánh lừa trong thế giới ảo kết hợp với việc liên tục chạm tay vào một “bức tường” cong. Và những đường cong nhẹ đó sẽ hình thành nên một vòng tròn hoàn chỉnh, cho phép tạo nên một không gian đi bộ không giới hạn, giúp người dùng có thể thoải mái di chuyển trong thế giới ảo mà không đụng tường nhà.
Takuji Narumi, một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Công nghệ này sử dụng kỹ thuật đổi hướng đi bộ bằng phản hồi thị giác. Đây là cách hữu hiệu để chuyển đổi hướng đi người dùng bằng cách sử dụng những tín hiệu phản hồi nhằm mạnh mẽ thay đổi nhận thức của họ. Bởi không gian là sự kết hợp nhận thức thị giác và cảm giác phản hồi giữa con người với thế giới trực quan, hệ thống này sẽ giảm tối đa không gian cần thiết để con người có thể đi bộ vô hạn trong thế giới ảo”.
Công nghệ này sử dụng kỹ thuật đổi hướng đi bộ bằng phản hồi thị giác.
Narumi cho biết hiện nhóm nghiên cữu đã làm việc với vài công ty nhằm phát triển công nghệ này và nó đã có thể hoạt động tốt đối với các thử nghiệm “công viên hoặc bảo tàng rộng lớn”. Mặc dù hiện tại công nghệ này vẫn còn đòi hỏi người dùng phải chạm tay vào một bức tường để định hướng và tăng cường hiệu quả nhưng ông cũng hy vọng rằng rồi đây sẽ tìm cách khắc phục được hoàn toàn nhược điểm này, cho phép con người thoải mái di chuyển.
Cuối cùng ông cho biết: “Chúng tôi có thể chứng minh tính hữu dụng của công nghệ này trong việc đổi hướng đi của con người. Tuy nhiên khi sử dụng ngoài thực tế, những bức tường này chính là nhược điểm của phương pháp này. Cúng tôi cần phải điều tra thêm về hiệu quả của “phản hồi lực chủ động” nhằm tìm ra sự nhiễu loạn phản hồi. Bằng cách này, sắp tới sẽ có thể loại bỏ sự hiện diện của các bức tường, cho phép tạo nên ảo giác phản hồi lực nhằm đơn giản hóa hệ thống này, giúp nó thực tế hơn”.