Đề :“Hệ thống tách chất thải, chất cặn bã trong ao nuôi cá tra công nghiệp” đã được anh Nguyễn Huấn, Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thực hiện thành công.
Đề tài được đánh giá cao và đạt Giải C tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2011 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen sáng tạo trong giai đoạn 2007-2012.
Hệ thống tách chất thải, chất cặn bã trong ao nuôi cá tra công nghiệp một cách liên tục và đưa ra khỏi ao nuôi mỗi ngày; tạo môi trường nước trong ao nuôi chất lượng tốt hơn so với các biện pháp xử lý thay nước hay dùng chế phẩm sinh học.
Biện pháp này góp phần tăng tỷ lệ sống, giảm áp lực tiềm ẩn mầm bệnh, nâng cao năng suất cá tra nuôi công nghiệp, giảm chi phí bơm nước, giảm chi phí hoá chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, chất lượng cá sạch hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để loại bỏ 70-80% chất thải trong ao nuôi cá tra công nghiệp, tác giả đề tài đã nghiên cứu và sử dụng hệ thống này rất hiệu quả, bằng cách dùng nguyên tắc “môi trường tĩnh”, tạo một hố miệng hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn, dạng hình phễu có đáy nhỏ, sâu 1,5 mét ở giữa ao.
Hố này chiếm 5-8% diện tích ao nuôi, trên bề mặt dùng lưới ngăn không cho cá vào hố. Nước được cấp theo dòng xoáy theo thiết kế ống dẫn nước quanh ao; chất thải được lắng tụ ở giữa ao nhờ bể chứa giữa đáy và được dẫn ra ngoài qua đường ống dẫn ở giữa ao.
Chất thải trong quá trình nuôi cá tra, các chất bùn, phù sa qua quá trình bơm nước từ bên ngoài vào sẽ được lắng tụ ở hố trung tâm, giữa đáy ao nhờ lực hướng tâm của dòng chảy.
Vào mùa nước đổ có nhiều hạt phù sa thì cho chất PAC (keo lắng tụ) để làm trong nước, bình quân 1kg PAC/1000m3 nước. Khi có lũ, mực nước trong ao cao hơn bên ngoài đáy ao, chất bã bị nghẹt, có thể dùng máy bơm đấu nối hút cặn bã ra ngoài.
Do đó, phương pháp này tiết kiệm lưu lượng nước cấp từ 1/3 – 2/3 so với ao nuôi truyền thống, chất lượng nước ổn định, không bị cặn bã tích tụ trong ao lâu ngày. Nhờ vậy, cá tăng trưởng nhanh, ít bệnh, ít tốn thuốc trị, tạo môi trường sạch.
Hệ thống này rẻ tiền, dễ làm, dễ thực hiện; thay thế cho biện pháp hút bùn giữa vụ và biện pháp dùng chế phẩm sinh học để khống chế mầm bệnh, giảm chi phí nuôi cá tra công nghiệp, thả nuôi với mật độ cao, cá khoẻ, sạch và cho năng suất cao.
Tác giả đề tài cho biết hệ thống này giảm 50% chi phí bơm nước, xử lý môi trường và điều trị bệnh so với sử dụng các biện pháp khác. Mỗi kg nuôi cá tra công nghiệp giảm 500 đồng chi phí.
Nếu được áp dụng rộng rãi, tỉnh Đồng Tháp có thể giảm được chi phí khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi vụ nuôi cá tra (300.000 tấn/vụ). Kết quả của đề tài đang được nhân rộng ở thị xã Hồng Ngự.
Theo Vietnam+