Mỗi ngày, tôi đều bắt gặp trong câu chuyện của các chị em văn phòng buổi trưa, trên “wall” Facebook của những bà mẹ trẻ, hay bất cứ nơi nào đó mà có mặt 2 bà mẹ trở lên,… vô số lời than vãn với nội dung đại loại rằng “chăm con sao mà vất vả thế!” Khi mẹ này chưa kịp than hết câu: “Tớ mỗi ngày chỉ ngủ có vài tiếng, còn lại thì giặt giũ, tắm rửa cho con, dỗ bé ăn rồi ngủ,… mệt tưởng như không thở nổi…” thì mẹ khác đã xem vào: “Đã là gì, ‘thằng cu’ nhà mình còn nay ốm mai đau, đi viện như… đi chợ. Nhìn xem, vì thức khuya nhiều nên mình như gấu trúc đây này!”; mẹ khác cũng “hùng hồn” không kém: “Đấy là các mẹ còn có ông nội, bà ngoại, rồi ông xã giúp, chứ ‘lão’ chồng tôi chả được tích sự gì, chuyện con cái bỏ mặc cho vợ hết. Nhìn vợ cả ngày tất bật hết việc này việc kia mà cứ làm ngơ, bảo sao vợ người ta thì chải chuốt gọn gàng, vợ mình thì lôi thôi lếch thếch chả khác gì…osin! Biết thế này… không đẻ nữa cho xong!”
Đấy, những câu chuyện vô tình lọt vào tai, vào mắt tôi bất cứ lúc nào: khi đi ăn, khi ngồi cà phê, khi… lướt Facebook và thấy vô số “like” dưới 1 “status” đầy tính “than vãn” của một mẹ nào đó: “Ôi, ước gì được chợp mắt thêm 15 phút mỗi ngày thì hạnh phúc biết mấy. Đêm nào con cũng thức thế này thì mẹ kiệt sức mất thôi…”. Và dưới những status đó, thôi rồi là “comment” của các mẹ khác, người thông cảm, người tham gia kể lể thêm sự “hoàn cảnh” của mình. Còn mẹ vừa đăng status kia chắc đang ngồi cặm cụi… đếm like và trả lời comment, cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì được chia sẻ hơn, vì thấy nhiều người cũng giống mình,… Còn tôi, tôi chỉ thắc mắc rằng, tại sao mẹ đó không tranh thủ chợp mắt chừng 15 phút hay nửa giờ vào buổi trưa như mong ước, thay vì ngồi than vãn thế kia. Vì dẫu có được chia sẻ, được động viên, đồng cảm, nhưng rồi mẹ đó sẽ nhẹ nhõm được bao lâu khi buổi chiều cơn buồn ngủ kéo đến mà phải dốc sức vào công việc, rồi tối về nhà lại lao vào dọn dẹp, giặt giũ, cho con ăn,… khi sức lực đã gần kiệt quệ và 2 mắt rũ xuống vì thiếu ngủ?
>>> Xem thêm:Nuôi con, đừng “nhàn thân” quá mà hóa ích kỉ
Vậy đấy, rất nhiều mẹ cứ kéo lê sự mỏi mệt của mình ngày này qua ngày khác một cách… tự nguyện như vậy, để có cái cớ mà kêu ca, nhăn nhó với bất cứ ai về cái sự mệt mỏi khi chăm con của mình. Và họ chỉ thấy “nhẹ bớt” khi tự mình, hoặc có ai đó an ủi: “Thôi, hi sinh vì con!”
Thế rồi, “hi sinh vì con” – cái cụm từ đẹp đẽ đó dần trở thành lý do cho bất cứ sự thiệt thòi nào của mẹ. Này nhé, chưa kịp sửa mái tóc đã cứng quèo, xơ rối: hi sinh vì con! Sáng đến cơ quan muộn, không kịp “quẹt” tí son khiến mặt mũi bơ phờ, nhợt nhạt: trời ơi, mất hình ảnh quá, nhưng không sao, hi sinh vì con mà! Quần áo dạo này cái nào cũng chật vì tăng cân mà không có thời gian đi mua, thành ra ai cũng chê già, chê xấu: ừ, là vì con! Vân vân. Đấy, trăm ngàn điều chẳng đâu vào đâu của mẹ chỉ có 1 lý do duy nhất: hi sinh vì con! Giờ, mỗi lần nghe cái cụm từ đó, chính tôi cũng cảm thấy sao mà nặng nề thế, sao mà ngột ngạt quá. Đôi khi, tôi tự cười… nửa miệng một cách ngán ngẩm, bởi trong mắt tôi, ở những bà mẹ hay kêu ca đó, chẳng có gì gọi là hi sinh hết mà chỉ là ích kỉ! Ích kỉ bởi lẽ, họ lúc nào cũng nghĩ đến bản thân mình (chứ chẳng phải nghĩ đến con), và đôi khi họ tự làm mình mệt mỏi, khổ sở nhưng lại “tung hô” sự khổ sở đó bằng một mỹ từ mang đầy tính nhân văn, cao thượng.
Yêu thương là tự nguyện, và sự hi sinh chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ trái tim.
Nghĩ cho cùng thì có gì to tát đến mức mỗi ngày phải “tụng kinh” cái từ hi sinh đó đến cả chục lần (hoặc hơn) như vậy. Việc sinh con đẻ cái, chăm sóc em bé là việc mà gần như người phụ nữ nào cũng làm được (một cách hoàn toàn tự nguyện và thoải mái), thậm chí có những người đàn ông, vì một hoàn cảnh nào đó mà trên tay họ cũng có một đứa trẻ đỏ hỏn mà không có vợ bên cạnh, họ vẫn chăm con rất tốt đấy thôi. Ừ, vất vả đấy, mệt mỏi đấy, chẳng ai nói chăm sóc một đứa trẻ là nhàn nhã cả, nhưng nếu cảm thấy khổ sở quá mức như thế thì… các mẹ sinh con ra làm gì? Đừng vội cười, lên án hoặc bao biện rằng: “Con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất, không sinh con thì làm sao có được niềm hạnh phúc ấy,…”. Xin lỗi, nếu đã cảm thấy con cái là tình yêu, là hạnh phúc lớn lao, thì mẹ hãy “dẹp” cái từ “hi sinh” sang một bên đi. Rõ ràng, những “hi sinh” đó quá nhỏ nhoi so với niềm hạnh phúc làm mẹ lớn lao, đúng không?
Còn chuyện mẹ nói rằng mình thiệt thòi vì: không có thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp, đi xem phim, hay thậm chí chỉ là uống cốc cà phê cùng bạn bè,… thì điều đó chỉ chứng tỏ là mẹ… kém cỏi! Tại sao ư? Chẳng qua là do mẹ không biết cách sắp xếp thời gian cho hợp lý. Đành rằng là sẽ chẳng được như lúc còn son rỗi, nhưng nếu khéo léo vun vén, mẹ hoàn toàn có thể dành ra mỗi ngày 1 khoảng thời gian đủ để bình tĩnh uống tách trà, cắt sửa mái tóc cho gọn gàng, tập một bài tập ngắn để giảm mỡ bụng, mua sắm vài bộ đồ mới và chỉn chu trước gương mỗi sáng để không làm “nhàu nhĩ” đi hình ảnh vốn gọn gàng, năng động của mình. Còn thời gian thư giãn ư, có thể mẹ không được đi xem phim, ca nhạc, không được thảnh thơi “shopping” cùng bạn bè, nhưng còn gì hạnh phúc hơn khi được ở bên cục cưng bé nhỏ và tất cả mọi muộn phiền, căng thẳng, mệt nhọc tan biến như chưa từng tồn tại.
Hay như bà mẹ mà tôi nói ở trên, thay vì lên Facebook than vãn, sao không dành giờ nghỉ trưa quý giá để nghỉ ngơi, thư giãn, lấy lại sức lực để không phải mệt nhoài từ ngày này sang ngày khác. Hoặc rất nhiều mẹ kêu ca rằng chỉ riêng việc dọn dẹp đống đồ chơi, dỗ con ăn ngủ đã đủ “bở hơi tai” rồi, hãy bình tĩnh! Mẹ cứ nhìn xem, dù không có osin hay ông bà giúp đỡ, nhưng có bà mẹ đã chăm sóc tới 3, 4 đứa con rất chu đáo mà không phải “ống thấp ông cao, đầu xù tóc rối” chút nào. Đơn giản là mẹ ấy đã hướng dẫn con tự cất đồ chơi, dạy cho con những kĩ năng cần thiết để bé tự phục vụ, thay vì ôm đồm tất cả, làm thay con từ A đến Z khiến bé không biết tự lập, mà mẹ thì vất vả thêm bội phần. Và tôi biết, mẹ ấy cũng vẫn thường xuyên lên Facebook để chia sẻ những kinh nghiệm hay, những “status” đầy hạnh phúc thay vì kêu ca. Nhất là, mẹ ấy chưa bao giờ “hùng hồn” nói rằng “tôi đang hi sinh vì con” cả.
Sinh con đẻ cái và chăm sóc, nuôi dưỡng bé lớn khôn là thiên chức, là “đặc ân”, là hạnh phúc lớn lao của người mẹ. Vì vậy, hãy tận hưởng nó như một điều tuyệt vời nhất chứ đừng “lạm dụng” hai từ “hi sinh” các mẹ nhé!
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.