Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo 80% nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã hoạt động hơn 20 năm, khoảng thời gian khiến giới chuyên gia về an toàn cảm thấy lo ngại.
“Tuổi đời quá cao của các nhà máy điện hạt nhân có thể tác động tới khả năng đảm bảo an toàn và khả năng đáp ứng những yêu cầu về năng lượng của các quốc gia thành viên một cách tiết kiệm và hiệu quả. Những nước muốn duy trì hoạt động lâu dài của các nhà máy điện hạt nhân nên phân tích các khía cạnh an toàn của những bộ phận không thể thay thế trong nhà máy điện hạt nhân”, AFP dẫn một đoạn trong bản dự thảo báo cáo Đánh giá An toàn Hạt nhân của IAEA.
Nhiều chuyên gia của IAEA cho rằng tiêu chuẩn an toàn của các nhà máy điện hạt nhân cũ nên được nâng cấp để theo kịp các nhà máy điện hạt nhân mới ra đời hoặc sẽ được xây dựng trong tương lai.
Dự thảo báo cáo của IAEA cho biết, 5% trong tổng số 435 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã hoạt động hơn 40 năm và 32% đã vận hành hơn 30 năm. 254 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu – chỉ sản xuất các đồng vị hạt nhân để phục vụ điều trị y khoa và một số mục đích dân sự khác – đang được sử dụng trên thế giới và 70% số đó được khởi động từ hơn 30 năm trước. Thậm chí nhiều lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đã hoạt động lâu hơn thời gian dự kiến.
“Những con số đó khiến những người vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, các nhà quản lý và công chúng cảm thấy lo ngại”, dự thảo kết luận.
Theo Vnexpress