Giữ ngôi vua trong thế giới loài mực nhờ kích thước to lớn, mực khổng lồ Architeuthis gần như không có đối thủ dưới đáy biển sâu.
Mực khổng lồ tấn công cá nhà táng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ).
Kraken có lẽ là quái vật lớn nhất mà con người từng tưởng tượng ra. Trong thần thoại Bắc Âu, Kraken hoành hành khắp vùng biển từ Na Uy đến Iceland. Loài thủy quái này chuyên tấn công những con tàu bằng bộ xúc tu cực khỏe. Nếu chiến thuật này thất bại, Kraken sẽ bơi vòng tròn quanh tàu, tạo ra một vùng nước xoáy để nhấn chìm tàu.
Theo International Business Times, truyền thuyết về Kraken dựa trên những phát hiện về một loài mực khổng lồ có thật. Năm 1853, xác một động vật thân mềm khổng lồ mắc cạn trên bờ biển Đan Mạch. Japetus Steenstrup, nhà tự nhiên học người Na Uy, phục dựng lại mỏ của con vật và phân loại nó là mực khổng lồ Architeuthis.
Con mực Architeuthis lớn nhất từng được ghi nhận dài 18 m với những cặp xúc tu ngoại cỡ, nhưng phần lớn mẫu vật có kích thước nhỏ hơn. Mực khổng lồ có đôi mắt lớn nhất trong thế giới loài vật và đây là bộ phận quan trọng giúp nó sinh tồn ở độ sâu 1.100 – 2.000 m.
Tương tự một số loài mực khác, Architeuthis có các túi ở phần cơ chứa dung dịch amoniac lỏng hơn nước biển. Cấu tạo này cho phép loài vật trôi nổi dưới nước mà không cần bơi. Dung dịch ammoniac mùi khó chịu trong các cơ cũng có thể là lý do khiến mực khổng lồ không bị đánh bắt đến mức tuyệt chủng.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học tranh luận mực khổng lồ có phải kẻ săn mồi nhanh nhạy như quái vật Kraken trong truyền thuyết hay không. Một thước phim vào năm 2005 của hai nhà nghiên cứu người Nhật T. Kubodera và K. Mori đã cung cấp câu trả lời. Họ quay phim một con mực Architeuthis còn sống trong môi trường tự nhiên, ở độ sâu 900 m phía bắc Thái Bình Dương. Thước phim cho thấy Architeuthis bơi rất nhanh và khỏe, đồng thời sử dụng xúc tu để bắt mồi.
Dù sở hữu kích thước lớn và tốc độ nhanh, Architeuthis vẫn trở thành mồi săn của cá nhà táng, một loài thuộc phân bộ cá voi có răng. Cuộc chiến giữa hai con vật khổng lồ này thường xuyên diễn ra, bởi các nhà khoa học phát hiện những vết sẹo trên da cá voi do xúc tu có giác hút với ngạnh sắc của mực gây ra. Nhưng Architeuthis không có các cơ ở xúc tu để siết cổ đối thủ và không bao giờ chiến thắng cá nhà táng trong cuộc đọ sức. Lựa chọn duy nhất của nó là bỏ trốn và phun mực để thoát thân.
Theo VnExpress