Ngực căng tức sữa, có thể hơi đau nhức là hiện tượng bình thường trong khoảng 3 ngày đầu sau sinh vì khi này cả mẹ và bé đều đang tập làm quen với việc nuôi con bằng sữa mẹ. Sau vài tuần đầu, khi bé bú nhiều và thường xuyên hơn, ngực mẹ sẽ giảm tình trạng căng tức khó chịu.
Căng tức sữa là hiện tượng bình thường xảy ra khi lượng sữa trong ngực không được bé bú đủ hoặc bú hết, dẫn đến ứ đọng quá nhiều trong ngực. Nếu để ngực căng sữa quá lâu mà không có biện pháp xử lý, sẽ có nguy cơ bị tắc tia sữa, viêm tuyến vú. Một số triệu chứng căng tức sữa mẹ cần chú ý đến như: ngực đau, cảm thấy nóng ở ngực, ngực cứng, ngực sưng và ngực xuất hiện những vùng đỏ tấy.
Mẹo nhỏ giúp bạn tránh được tình trạng căng tức sữa
1. Cho bé bú thường xuyên
Cho bé bú thường xuyên giúp bạn tránh được tình trạng ngực bị căng tức sữa. Thông thường, sau lần bú đầu tiên, bé sẽ ngủ một giấc dài và sâu. Sau cữ bú đầu đời này, bé sẽ bú mẹ thường xuyên hơn. Trong những ngày đầu, dạ dày của bé chỉ nhỏ bằng một viên bi, vì thế mẹ đừng ép bé bú quá nhiều, hãy để bé bú theo nhu cầu của bé. Sau khi cho bé bú, nếu ngực vẫn căng mẹ có thể vắt bỏ hoặc vắt để trữ cho cữ bú lần sau của bé.
2. Lựa chọn tư thế cho bé bú phù hợp
Khi cho bé bú, cả mẹ và bé đều phải ở tư thế thoải mái, như vậy bé mới có thể bú nhiều và năng suất hơn, giúp mẹ tránh được tình trạng căng tức sữa.
Vì vậy khi cho bé bú mẹ cần chú ý đến những điểm sau:
– Bé quay mặt hướng về ngực mẹ, đầu bé hơi cao một chút so với thân.
– Miệng bé ngậm hết quầng vú, không chỉ ngậm riêng núm vú.
– Cằm bé chạm vào ngực mẹ.
– Mũi bé không bị áp sát quá vào ngực mẹ, dễ dẫn đến khó thở.
Cách xử lý khi bị căng tức sữa
Nếu ngực bị căng tức sữa bạn nên nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia chuyên điều trị căng tức sữa. Họ có thể áp dụng phương pháp mát xa ngực kết hợp hút sữa thừa ra bằng máy hút sữa, để làm dịu cơn đau của bạn và tránh nguy cơ bị tắc tia sữa.
Bạn cũng có thể tự giúp mình bằng những mẹo nhỏ sau:
– Mát xa nhẹ nhàng hai bầu ngực trước khi cho bé bú. Vì khi ngực bị căng sữa, sữa sẽ không thể chảy ra dễ dàng, khiến bé gặp khó khăn khi bú.
– Cho bé bú cả hai bầu vú.
– Tuyệt đối không ngưng cho bé bú hoặc cho bé bú sữa công thức thay vì sữa mẹ.
– Trong khi cho bé bú, nhẹ nhàng mát xa từ bầu vú lên đến gần núm vú.
– Dùng khăn lạnh hoặc lá bắp cải đắp lên bầu ngực để làm dịu cơn đau.
– Vắt sữa thừa sau khi bé bú xong.
Bé gặp khó khăn khi bú mẹ
Nếu để ngực căng tức quá lâu, núm vú sẽ có nguy cơ bị tụt vào, khiến bé gặp khó khăn khi bú mẹ. Dần dần, bé sẽ lười bú và bỏ bú mẹ. Trong trường hợp này, mẹ nên vắt sữa ra bình để bé bú dễ dàng hơn. Mẹ cũng có thể ấn nhẹ đầu ngón tay vào vùng xung quanh núm vú, để các mô dưới núm vú mềm hơn, tạo điều kiện cho núm vú nhô lên, không bị thụt vào trong.
Việt Hà – Dịch từ BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.