Trong khi nhật thực thường xảy ra ở hai hành tinh lớn hơn trong hệ Mặt trời là sao Mộc và sao Thổ thì đối với sao Thiên vương, đây là hiện tượng chưa bao giờ quan sát được cho đến nay.
Kính thiên văn Hubble của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thu được hình ảnh đầu tiên về nhật thực trên sao Thiên vương (Uranus): vệ tinh Ariel bay qua khoảng cách giữa Mặt trời và sao Thiên vương.
Thiên vương là một hành tinh rất đặc biệt. Được nhà thiên văn William Herschel phát hiện vào năm 1781, “khối khí khổng lồ” đường kính 25.500 km này có một trục quay nằm ngang trên mặt phẳng quỹ đạo của chính nó, trong khi các hành tinh khác có trục gần như vuông góc với quỹ đạo hoặc hơi nghiêng.
Sự khác thường chưa giải thích được này khiến các vùng cực của sao Thiên vương là nơi nhận được nhiều năng lượng từ Mặt trời nhất, chứ không phải vùng xích đạo.
(Ảnh: NASA)
Sao Thiên vương có 29 vệ tinh bay theo quỹ đạo chung quanh xích đạo của hành tinh. Trong quá trình bay một vòng quanh Mặt trời hết 84 năm, “đường thẳng Mặt trời – vệ tinh – Thiên vương” chỉ xuất hiện 42 năm một lần (thời điểm A và B).
(Ảnh: Tiền phong) |
Hiện tượng hiếm này được kính thiên văn Hubble ghi lại vào ngày 26-7 vừa qua, khi vệ tinh Ariel (một khối băng) bay qua phía trước sao Thiên vương và phủ bóng xuống bề mặt hành tinh.
Trong lần nhật thực trước, năm 1965, các kính thiên văn trên mặt đất chưa có các thiết bị quang học để quan sát rõ nét hiện tượng này.
Vệ tinh Ariel, lấy tên một nhân vật trong vở kịch “Cơn bão” của William Shakespeare, có đường kính 1.162 km, tương đương 1/3 kích thước Mặt trăng của chúng ta.
Nhật thực do Ariel che Mặt trời là mở đầu của một loạt các hiện tượng tương tự sẽ xảy ra vào năm 2007 hoặc 2008, khi các vệ tinh lớn khác như Umbriel, Titania, Oberon lần lượt bay qua khoảng cách giữa Mặt trời và sao Thiên vương.
Và tất cả các hiện tượng này chỉ tái diễn vào năm… 2049.
Theo Nhân Dân, Futura-Sciences, Tiền phong