Hình ảnh mới nhất về vùng băng giá Nam cực

Hình ảnh mới nhất về vùng băng giá Nam cực

Các nhà báo của tạp chí Guardian (Anh) gửi về những hình ảnh mới nhất trong tháng 12/2013 của vùng đất băng giá Nam cực trong chuyến thám hiểm 2013-2014 của tàu MV Akademik Shokalskiy (Nga).

Hình ảnh mới nhất về vùng băng giá Nam cực
Tảng băng trôi tại Nam Cực

Hai nhà báo Alok Jha và Laurence Topham tham gia cuộc thám hiểm Nam cực trên tàu MV Akademik Shokalskiy (Nga) do GS Chris Turney và TS Chris Fogwill – làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc ĐH New South Wales, Úc – dẫn đầu.

Hình ảnh mới nhất về vùng băng giá Nam cực
Nhà báo Alok Jha và những chú chim cánh cụt tại Nam Cực

Tàu MV Akademik Shokalskiy rời cảng Bluff thuộc New Zealand từ ngày 8/12 và đến Nam cực hôm 18/12. Trên tàu có 68 người, gồm 20 thành viên thủy thủ đoàn và 48 hành khách. Cuộc thám hiểm này được thực hiện nhằm kỷ niệm 100 năm TS Douglas Mawson (1882-1958) – nhà khoa học xuất chúng người Úc – chỉ huy nhóm thám hiểm người Úc khám phá vùng đất phía đông Nam cực trong khoảng thời gian từ 1911-1913.

Mục tiêu của chuyến thám hiểm 2013-2014 Australasian Antarctic Expedition là khám phá vùng đất Nam cực phủ đầy tuyết và lạnh như cắt da đã thay đổi như thế nào trong 100 năm qua.

Nhóm thám hiểm tàu MV Akademik Shokalskiy khám phá túp lều – nơi ở và nghiên cứu trước đây của TS Douglas Mawson, lái xe địa hình khám phá xung quanh Nam cực, chơi đùa với những chú chim cánh cụt.

Hình ảnh mới nhất về vùng băng giá Nam cực
Khoảnh khắc đàn chim cánh cụt ùa xuống biển

Trong một diễn biến khác liên quan đến chuyến thám hiểm Nam cực, vào ngày 25/12, tàu MV Akademik Shokalskiy bị mắc kẹt giữa vùng băng tuyết Nam cực – cách trạm nghiên cứu Dumont D’Urville của Pháp khoảng 180km về phía đông. Sau khi nhận được tin nhắn cứu hộ, Cơ quan hàng hải Úc (AMSA) đã điều 3 tàu phá băng của Úc, Pháp và Trung Quốc đến địa điểm trên để cứu tàu gặp nạn.

Rất may mọi người trên tàu hiện đều an toàn và dự kiến đến ngày 28/12, tàu MV Akademik Shokalskiy sẽ thoát khỏi tình trạng mắc kẹt và tiếp tục hành trình tiến vào vùng biển Nam Đại Dương, dừng chân tại đảo Macquarie – nằm giữa Nam cực và Úc – để nghiên cứu động vật hoang dã trước khi trở về cảng Bluff thuộc New Zealand.

 

Theo Tuổi Trẻ