Diện tích hồ Aral tại Trung Á giảm tới 90% do thiếu nước và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gọi đây là một “thảm họa môi trường gây sốc”.
Ảnh chụp hồ Aral từ trên cao vào năm 1989 và năm 2008. Ảnh: wikipedia.org.
Từng có diện tích khoảng 67.300 km2 – gần bằng diện tích Ireland – hồ Aral nằm giữa phía nam Kazakhstan và phía tây bắc Uzbekistan. Trên thực tế nó là một vùng bồn địa trũng gồm vài hồ nước mặn nằm ở Trung Á từng liên kết thành một hồ kín (không thông thủy với các biển hay đại dương khác). Hồ Aral có chiều dài 420 km và chiều rộng 280 km. Nó là hồ rộng thứ tư thế giới, sau biển Caspian, hồ Superieur và hồ Victoria.
Hai dòng sông Syr Darya và Amu Darya từng cấp nước cho hồ. Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, chính quyền Liên Xô cũ quyết định lấy nước của hai dòng sông để tưới cho vùng đất khô cằn quanh biển Aral, biến nơi đây thành những đồng lúa, dưa, ngũ cốc, và bông. Chủ trương này khiến lượng nước ngọt trong hồ giảm mạnh. Tình trạng suy giảm diện tích mặt nước liên tục của hồ Aral trong những thập kỷ qua khiến hoạt động đánh bắt cá tê liệt và hàng loạt ngư dân phải bỏ nghề. Aral tách thành hai hồ nhỏ hơn vào năm 1990, trong đó một hồ nằm ở Uzbekistan, còn hồ kia (nhỏ hơn) nằm ở Kazakhstan.
Reuters cho hay phần lớn lòng hồ Aral đã biến thành những vùng đất khô cằn. Chúng được bao phủ bởi những bụi cây nhỏ và muối. Hàng trăm tàu đánh cá nằm chỏng trơ trên những vùng đất khô như thể chúng rơi từ trên trời xuống. Sự bốc hơi của hồ tạo nên nhiều lớp cát mặn trên những vùng trước kia từng là đáy hồ. Điều đáng lo ngại là loại cát này có thể theo gió tới tận Nhật Bản và khu vực Scandinavia, gây nên nhiều bệnh tật cho người dân.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tham quan “nghĩa trang” tàu cá tại thành phố Nukus, Uzbekistan. Vùng đất trong ảnh từng là lòng hồ Aral. Ảnh: AFP. |
Theo AP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã thị sát hồ Aral vào ngày 4/4 bằng trực thăng trong chuyến công du tới 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ.
“Tôi cảm thấy rất sốc. Đây rõ ràng là một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trên thế giới”, Reuters dẫn lời phát biểu của ông Ban sau chuyến thị sát hồ Aral.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Á thảo luận với nhau để tìm ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng mất nước trong hồ Aral. Ông khẳng định các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ các nước Trung Á trong nỗ lực này.
Giới khoa học khẳng định sự biến mất của hồ Aral sẽ gây nên thảm họa sinh thái và kinh tế cho khu vực.
Theo VnExpress