“Hồ ma quỷ”: Phát hiện chấn động ở độ sâu 4000m

Giải mật được bí ẩn này ở Nam Cực, sự sống ngoài hành tinh có thể không còn là “bài toán” khó của nhân loại.

7/2013 trở thành dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát hiện địa lý – lịch sử vô cùng quan trọng của loài người: Vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát hiện một hồ nước khổng lồ, bị chôn vùi hoàn toàn dưới lớp băng dày 4.000 mét ở Nam Cực…

…Hồ Vostok

Giới chuyên môn ước lượng, Vostok bị tách biệt và “giam cầm” dưới lớp băng dày lạnh giá ở phía Đông châu Nam Cực trong suốt 15 đến 25 triệu năm nay.

Sâu hơn 700 mét, dài 250km, nơi rộng nhất là 50km và chứa khoảng 5.400 km³ nước, Vostok chính thức là hồ nước ngọt lớn nhất trong tổng 140 hồ nước ngầm ở Nam Cực được phát hiện cho đến thời điểm hiện nay.

Vì sự tồn tại khó hiểu và bí ẩn tại chính hồ nước có tên “Hồ Vostok – Hồ phương Đông” mà các nhà khoa học quốc tế còn gọi nó với cái tên “Hồ ma quỷ” (Ghost Lake).


Mô hình 3D cho thấy hồ nước khổng lồ (màu vàng tím) bên dưới lớp băng dày 4.000m ở Nam Cực. (Nguồn ảnh: British Antarctic Survey).

Khát khao thám hiểm địa điểm nguyên thủy bậc nhất Trái Đất

100 năm sau khi giới thám hiểm đặt chân đầu tiên đến châu Nam Cực, các nhà khoa học đã “khao khát” thám hiểm các hồ nước ngọt ngầm bên dưới lớp băng dày lạnh giá tại châu lục rộng thứ tư trên thế giới này (sau châu Á, châu Phi và châu Mỹ, lớn hơn châu Âu và châu Úc).

Là lục địa lạnh nhất Trái Đất, với 98% diện tích bề mặt bị lớp băng dày trung bình gần 2.000 mét bao phủ, châu Nam Cực có nhiệt độ tự nhiên thấp nhất đo được ở nhiệt độ đóng băng: −89,2°C.

Hoang mạc chỉ chứa sự lạnh giá, băng tuyết và những “cơn gió sát thủ” khiến con người co rút mắt, chảy máu mũi, nghẹt thở, nôn mửa và tăng huyết áp đột ngột này vẫn không thể làm “nguội” ý chí thám hiểm của giới khoa học quốc tế.


Châu Nam Cực là một trong những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. (Hình minh họa: Gentside Découverte).

Một năm sau ngày phát hiện “Hồ ma quỷ”, vào năm 2014, các nhà khoa học Nga dẫn đầu một đội thám hiểm quốc tế lên đường đi khám phá địa điểm nguyên thủy bậc nhất Trái Đất.

Vì nằm ở phía Đông châu Nam Cực (lạnh hơn phía Tây Nam Cực) và bị chôn vùi ở độ sâu 4.000 mét băng dày, nên việc tiếp cận hồ nước khổng lồ này của các nhà khoa học không hề dễ dàng.

Để khoan thủng 4.000 mét vào lớp băng dày, Giám đốc Trạm nghiên cứu Vostok – Nhà khoa học người Nga Alexei Turkeyev, đã cho tiến hành việc khoan vào các mùa hè ở Nam Cực để giảm bớt sự lạnh giá, mặc dù nhiệt độ đo được lúc khoan là −40°C.

Sau khoảng thời gian dài làm việc miệt mài trong nhiều năm với việc sử dụng công nghệ lỗ khoan ngăn cản sự tái đóng băng của nước, các nhà khoa học đã khoan được 3.750m băng.

Đến tháng 1/2015, các nhà khoa học đã lấy thành công mẫu nước dưới hồ và gửi đến Phòng Thí nghiệm Băng và Địa ký Môi trường Grenoble ở Pháp để tiến hành nghiên cứu.


Đội khoan băng quốc tế tại Trạm nghiên cứu Vostok. (Ảnh: Wikipedia).


Các nhà khoa học sử dụng công nghệ mũi khoan ngăn cản sự tái đóng băng của nước xuống hồ Vostok. (Hình minh họa: Fox News).

Mặc dù khát khao giải mật bên trong hồ nước ngầm lớn nhất Nam Cực, nhưng các nhà khoa học vẫn “tiếc” rằng: Một khi con người chạm tay xuống hồ Vostok thì nó sẽ vĩnh viễn mất đi sự nguyên sơ ban đầu, thời điểm lưu dấu lịch sử Trái Đất cách đây 15 đến 25 triệu năm.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực khác, việc phát hiện hồ nước khổng lồ từ vệ tinh và những nỗ lực to lớn của giới khoa học nhằm tiếp cận “hồ ma quỷ” này lại mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn.

Do tính chất cổ xưa của hồ nước, lưu dấu tích của lịch sử (nơi có thể đang ẩn chứa dạng sống hoàn toàn khác biệt), giới khoa học hi vọng có thể vén màn bí ẩn về lịch sử địa chất hàng chục triệu năm của Trái Đất (cụ thể là tìm hiểu được đặc điểm của Trái Đất chúng ta thời kỳ trước Kỷ Băng hà).


Nghiên cứu sự sống dưới hồ nước Vostok, giới khoa học hi vọng có thể vén màn bí ẩn về lịch sử địa chất hàng chục triệu năm của Trái Đất. (Nguồn ảnh: WordPress.com).

Khám phá này cũng sẽ giúp nhà khoa học tìm hiểu về sự sống ngoài hành tinh mà bấy lâu nay giới khoa học vẫn “điên đầu” săn lùng bên ngoài vũ trụ rộng lớn; giúp giải đáp phần nào về các điều kiện hình thành sự sống ở sao Hỏa và các mặt trăng của sao Mộc.

“Cuộc thám hiểm xuống hồ nước bị chôn sâu 4.000m lớp băng thú vị và háo hức như việc chúng ta được khám phá sự sống ở một hành tinh xa xôi mà chưa ai chạm tới ở ngay trên Trái Đất vậy”, một nhà khoa học thuộc Viên nghiên cứu Nam Cực ở St. Petersburg nói.

Hi vọng, trong tương lai gần nhất, các nhà khoa học quốc tế sẽ sớm tìm được câu trả lời đầy đủ về hồ nước “ma quỷ” ở Nam Cực, giúp giải mật phần nào về Trái Đất cổ xưa và có thêm phát kiến trong công cuộc khám phá “Dự án thế kỷ”: Sự sống ngoài hành tinh.

 

Theo Trí Thức Trẻ