Điều gì sẽ khiến bạn phải cố sức chạy thục mạng trong vòng 10 phút?
Bị một thứ gì đó đáng sợ đuổi theo? Cảm thấy cô đơn? Cần một cốc nước? Hay là hứa hẹn một đĩa khoai tây chiên khi kết thúc công việc?
Nếu bạn chỉ cảm thấy lý do đĩa khoai tây khiến bạn đáng để chạy thục mạng thì đừng lo, bạn không phải là người duy nhất. Thực tế, theo một nghiên cứu mới đây, phần lớn trong số chúng ta có động cơ vì đói mạnh mẽ hơn nhiều so với sợ hãi, khát nước hoặc cô đơn.
Cơn đói tạo ra động lực mạnh mẽ chi phối hành vi.
Nghiên cứu do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thực hiện đã tiến hành một loạt thử nghiệm để phát hiện động cơ nào mạnh mẽ nhất trong mỗi chúng ta: đói, khát và sợ hãi. Kết quả vừa được công bố trên tạp chí Neuron.
Phần lớn trong số chúng ta có động cơ vì đói mạnh mẽ hơn nhiều so với sợ hãi, khát nước hoặc cô đơn.
Theo báo Anh Metro đưa tin, trong thử nghiệm đầu tiên, họ tập hợp những con chuột, hoặc là đói và khát hoặc chỉ khát và để thức ăn, nước trước mặt chúng. Trong khi chuột chỉ khát chạy đến chỗ để nước thì những con chuột vừa đói vừa khát đi thẳng đến nơi đặt thức ăn và phớt lờ nỗi khát nước. Điều đó có thể hiểu rằng đói là động lực lớn hơn nhiều so với khát.
Trong thử nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu để chuột đói vào môi trường có mùi của kẻ săn mồi. Chuột đói sẵn sàng tách khỏi đàn, mạo hiểm để tìm kiếm thức ăn, trong khi chuột ăn no chỉ thu mình ở một góc an toàn. Điều này cho thấy nhu cầu thức ăn luôn được ưu tiên hơn so với các nhu cầu cơ bản khác.
Trước đó, vào những năm 1940, nhà tâm lý học người Mỹ Abraham H. Maslow đưa ra lý thuyết “tháp nhu cầu” giải thích động lực cho mọi hành vi của con người. Theo đó, nhu cầu của con người được chia làm 2 nhóm chính: nhu cầu cơ bản và nhu cầu cao cấp.
Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố cần thiết cho sự sinh tồn như thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ và an toàn. Do các nhu cầu này không thể đáp ứng được cùng một lúc, con người buộc phải chọn lựa và ưu tiên loại nhu cầu quan trọng nhất.
Nhu cầu thức ăn luôn được ưu tiên hơn so với các nhu cầu cơ bản khác.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học NIH cũng sử dụng thiết bị ánh sáng đặc biệt để theo dõi AgRP – noron làm này sinh cảm giác thèm ăn trong não. Theo quan sát, các nơron này hoạt động mạnh mẽ hơn mỗi khi có con chuột khác xuất hiện.
Tất nhiên, những thí nghiệm này được tiến hành với chuột và không thể giả thuyết kết quả này chính xác 100% nếu áp dụng với con người. Song những kết quả nghiên cứu đã rút ra được một điểm thú vị là khuynh hướng bẩm sinh của loài thú là bị thức ăn thôi thúc mạnh mẽ. Do vậy, nếu bạn đang cố gắng tạo động cơ cho mình làm một điều gì đó (như hẹn hò chẳng hạn), bạn hãy nghĩ đến hứa hẹn sẽ được ăn uống thay vì cô đơn hoặc sợ phải chết một mình.
Còn với các nhà nghiên cứu, kết quả này sẽ mở đường cho các bài nghiên cứu tiếp theo về mối liên hệ giữa noron AgRP và hệ thần kinh trong việc tạo động lực định hướng hành vi con người, giúp con người hiểu thêm về chứng rối loạn ăn uống cũng như cách kiểm soát cảm giác thèm ăn và ngăn chặn bệnh béo phì.