Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa

0
102
Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa

Một hóa thạch lâu đời nhất thế giới, có niên đại 3,7 tỷ năm và mới được tìm thấy, có thể là chỉ dấu sự sống tồn tại trên sao Hỏa.

Các nhà khoa học vừa phát hiện bằng chứng vật chất lâu đời nhất về sự sống trên Trái đất, một hóa thạch ở Greenland được hình thành 3,7 tỷ năm trước.

Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa
Các tảng đá hóa thạch 3,7 tỷ năm tuổi được tìm thấy ở dải băng Isua, phía tây nam Greenland.

Phát hiện đáng kinh ngạc này càng củng cố cho giả thuyết có sự sống trên các hành tinh khác, đồng thời có thể giải thích những gì đã xảy ra vào thời điểm bắt đầu sự sống trên Trái đất.

Hóa thạch vừa được tìm thấy ở Isua, phía tây nam Greenland. Hóa thạch chứa đá stromatolite, lớp trầm tích tạo ra nhờ sự phát triển của vi sinh vật.

Nếu được xác nhận đây chính là bằng chứng của sự sống, hóa thạch này lâu đời hơn kỉ lục trước đó 220 triệu năm.

Một trong những nhà nghiên cứu hóa thạch, Clark Friend, cho biết: “Cho đến lúc này, tảng đá stromatolite lâu đời nhất được tìm thấy ở Tây Úc khoảng 3,5 tỷ năm tuổi”.

Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa
Đá hóa thạch 3,5 tỷ năm tuổi ở Tây Úc.

“Nếu Trái đất có sự sống từ 3,7 tỷ năm trước, thì sự sống cũng có thể tồn tại trên các hành tinh khác vào thời điểm đó. Ví dụ 3,7 tỷ năm trước, sao Hỏa vẫn có nước”.

Viết trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu đến từ Úc và Anh, cho biết hóa thạch đá stromatolite phát triển “trong môi trường nước nông” ở Isua.

Các nhà nghiên cứu nói rằng hóa thạch là một gợi ý cho thấy thời điểm đó, Trái đất có khí hậu yên bình, có thể là do bầu không khí chứa nhiều khí cacbon điôxít và/hoặc khí mê-tan.

Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa
Các nhà khoa học cầm trên tay một mẫu hóa thạch để xét nghiệm.

Tiến sĩ Abigail Allwood, đến từ Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA, cho biết hóa thạch có thể giải thích những gì đã xảy ra vào thời kỳ bắt đầu sự sống trên Trái đất.

Bà đặt câu hỏi: “Liệu sự sống trên hành tinh này chỉ bắt đầu sau quá trình tiến hóa rất dài của Trái đất, đợi môi trường thích hợp cho sự sống xuất hiện, hay cái nôi của sự sống đã luôn sẵn sàng từ khi Trái đất mới là một “đứa trẻ sơ sinh”?”

Bà cũng tin rằng hóa thạch mới được phát hiện có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.

Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa
Bề mặt đá hóa thạch 3,7 tỷ năm tuổi.

“Nếu đây thực sự là dấu hiệu của tổ tiên đầu tiên của chúng ta, nó sẽ có những tác động đáng kinh ngạc”, tiến sĩ Allwood viết.

Nếu sự sống xuất hiện ở giai đoạn mới hình thành của Trái đất, thì nó không phải là một thứ ít khả thi, bà nói.

Tiến sĩ nhận định: “Sự hiểu biết của chúng ta về bản chất sự sống vũ trụ được dựa trên thông tin Trái đất mất bao lâu để hình thành các điều kiện cho sự sống. Và sau phát hiện mới này, sao Hỏa có thể trở thành một nơi hứa hẹn hơn trước rất nhiều, một hành tinh đầy tiềm năng cho sự sống trong quá khứ”.

Hóa thạch 3,7 tỉ năm tuổi báo hiệu sự sống trên sao Hỏa
Hóa thạch mới được tìm thấy có thể là dấu hiệu cho thấy sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa.

 

Theo Dân Việt