Hóa trị ung thư có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt các tế bào ác tính. Tuy nhiên, cách điều trị này có thể không thực sự phân biệt được điểm khác giữa các tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Khi các loại thuốc dùng trong hóa trị liệu tấn công các tế bào của đường tiêu hóa, da, tóc, cơ quan sinh sản, tủy xương và những bộ phận khác, chúng sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn cho cơ thể
Mức độ phản ứng của hóa trị liệu khác nhau theo từng trường hợp. Dưới đây là 1 số tác dụng phụ thường gặp khi dùng hóa trị ung thư và 1 số cách đối phó với chúng.
Mệt mỏi
Cảm giác cực kỳ mệt mỏi có thể khiến bệnh nhân không thể làm hầu hết các hoạt động thường ngày. Mệt mỏi thường đi kèm với buồn ngủ, đãng trí, cảm giác nặng nề ở các chi.
Lúc này, các bệnh nhân nên có sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, giúp họ duy trì năng lượng. Đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, bao gồm cả thực phẩm giàu carbohydrate. Vận động bằng 1 số bài tập nhẹ nhàng để đối phó với mệt mỏi cũng khá hiệu quả.
Buồn nôn và ói mửa
Hóa trị ung thư có thể tác động đáng kể đến hệ tiêu hóa. Buồn nôn và ói mửa là 1 trong các triệu chứng. Lúc này, việc uống nước sẽ có lợi cho cơ thể đang trong tình trạng mất nước. Thay vì uống 1 lúc, hãy uống từng ngụm hoặc ngậm mẩu đá trong thời gian dài. Đồng thời, nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Thay vì ăn 3 bữa, bạn nên ăn thành các bữa nhỏ.
Vấn đề về miệng
Các tế bào trong miệng sẽ nhanh chóng được phân chia giống như các tế bào ung thư và đó là lý do tại sao các loại thuốc dùng hóa trị sẽ tấn công khu vực này. Do đó, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách.
Lưu ý chọn bàn chải có lông mịn để tránh chảy máu nướu răng. Không dùng chỉ nha khoa nếu nó khiến bệnh nhân bị chảy máu răng, đặc biệt nếu họ có số lượng tiểu cầu thấp. Tình trạng lở loét miệng là tác dụng phụ ở mức nghiêm trọng và bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ.
Tiêu chảy hoặc táo bón
Nếu bị tiêu chảy, bệnh nhân nên lưu ý ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, chọn thực phẩm ít chất xơ, tránh sữa. Đồng thời đừng quên uống nhiều nước để bổ sung chất lỏng đã bị mất.
Nếu bị táo bón, bệnh nhân nên tăng thực phẩm chất xơ và uống nhiều nước. Trong 1 số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân cho bệnh nhân.
Các vấn đề về da
Một khu vực khác trong cơ thể dễ bị tác dụng phụ của hóa trị liệu là da. Thuốc điều trị có thể gây ngứa da, bong tróc, mẩn đỏ, sạm da.
Bệnh nhân cần chú ý giữ gìn da sạch sẽ, khô ráo để tránh lở loét, viêm nhiễm. Bôi kem dưỡng ẩm để da không bị khô quá mức. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bôi kem chống nắng có SPF thấp nhất là 15 nếu bị nhảy cảm với ánh nắng khi hóa trị ung thư.
Thụy Du – (Dịch theo HD)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.