Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Văn Thi, Trường Đại học Khoa học Huế-Đại học Huế vừa hoàn thành và chuyển giao đề tài “Nghiên cứu thành phần và tác dụng dược lý của Plysaccharide và Trierpenoid trong nấm linh chi”, giúp người trồng nấm tại Thừa Thiên-Huế từng bước hoàn thiện quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mục tiêu của đề tài nhằm định lượng nhanh hoạt chất Trierpenoid để đánh giá chất lượng các loài linh chi; cung cấp thông tin về hàm lượng các thành phần hoạt chất Plyasaccharide, hoạt chất Trierpenoide, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao của nấm linh chi được trồng tại Thừa Thiên-Huế.
Đề tài còn đưa ra các số liệu về thành phần hóa học cơ bản (prtein, độ tro, độ ẩm), các chỉ tiêu cho phép như chỉ tiêu vi sinh, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong nấm linh chi nuôi trồng tại địa phương.
Theo Đông y, linh chi có tác dụng kiện não, bảo an, cường tâm, cường phế, giải độc, trường sinh. Theo Tây y, từ linh chi đã bào chế ra các loại thuốc để chữa các bệnh như tiểu đường, viêm gan, hỗ trợ chống ung thư.
Hầu như tất cả các nghiên cứu đều cho rằng hai thành phần tạo nên hoạt tính kỳ diệu của linh chi là Polysaccharide và Trierpenoid. Vì vậy, việc nghiên cứu các thành phần hỗ hợp Polysaccharide và Trierpenoid được thực hiện trong nuôi trồng và sử dụng nấm linh chi tại Thừa Thiên-Huế như hiện nay là hết sức cần thiết.
Theo nghiên cứu, ở Thừa Thiên-Huế có tới 71 loài nấm dược liệu, trong đó có 39 loài thuộc họ nấm linh chi và có 7 loài mới được công bố, bổ sung cho hệ nấm Việt Nam. Tỉnh hiện đã xây dựng được quy trình công nghệ nhân giống 7 loài nấm dược liệu thuộc họ nấm linh chi; thuần hóa và tuyển chọn được 17 chủng giống của 9 loài nấm linh chi có năng suất cao và ổn định, có thể ứng dụng trong sản xuất nấm dược liệu ở Việt Nam; trong đó, tỉnh đang tiến hành nuôi trồng, sản xuất 9 loài nấm linh chi sau khi đã xác định được năng suất, mùa vụ.
Công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang (Thừa Thiên-Huế) đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng nấm linh chi và mộc nhĩ theo công nghệ sạch tại các cơ sở ở thị xã Hương Thủy.
Trên diện tích 5.000m2, mỗi tháng, công ty sản xuất được hơn 50.000 bịch, cho sản lượng khoảng gần 2 tấn, với giá bán từ 450.000 đến 550.000 đồng/kg.
Thừa Thiên-Huế cũng đã thành công trong việc nuôi trồng nấm linh chi từ mùn cưa của cây cao su.
Thành phần giá thể để nuôi trồng nấm linh chi bao gồm mùn cưa gỗ cây cao su, bột cám bắp hoặc gạo và mùn gỗ lim, với tỷ lệ 96% mùn cưa cao su, 5% bột cám bắp hoặc gạo, 1% mùn cưa gỗ lim. Đây là tỷ lệ hợp lý có được sau nhiều năm nghiên cứu, nuôi trồng sản xuất và phải tuân theo một quy trình kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt.
Với phương thức này, hàng năm, hợp tác xã nông nghiệp Phú Lương (Thừa Thiên-Huế) trồng và tiêu thụ trên 3 tạ nấm linh chi.
Nấm linh chi ở Phú Lương hiện đã được đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và đã tham gia nhiều hội chợ lớn như Hội chợ Giảng Võ-Hà Nội, dành cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; hội chợ Thương hiệu Hà Nội, Hội chợ quốc tế về thương hiệu Việt Nam tại Khánh Hòa, Techmart Việt Nam tại Đà Nẵng trong nhiều năm qua.
Theo Vietnam+