Học cách từ chối hiệu quả

Nhiều khi bạn muốn từ chối lắm, nhưng bạn lại không dám nói với sếp hoặc đồng nghiệp vì sợ mất lòng? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để học cách từ chối hiệu quả.

Hãy tập cách nói “không”

Đây sẽ là một phản ứng khó nhất nếu như bạn thuộc típ người cả nể. Vì biết bạn có đức tính như vậy nên một số đồng nghiệp thường cố tình nhờ vả bạn để làm việc cho họ, vì họ biết bạn sẽ không từ chối họ. Nhưng bạn cũng đang chồng chất với công việc đúng không? Vậy thì hãy tập cách nói “không, tớ còn nhiều việc quá!” thay vì nhận lời trong trạng thái không được thoải mái. Hãy cho đồng nghiệp của bạn biết bạn thực sự đang ngập ngụa với hàng tá việc và ai cũng phải làm tốt phận sự đã được phân công thay vì suốt ngày đi nhờ vả người khác. Tất nhiên bạn nên sử dụng ngôn từ sao cho dễ nghe và không mất lòng người khác khi từ chối.

Xem xét và cân đo thời gian

Nếu đồng nghiệp thực sự có việc gia đình hoặc công việc cá nhân quan trọng như: cưới xin, ốm đau…” và bạn phải giúp đỡ, nhưng bạn vẫn chìm trong công việc và chưa hoàn thành một cái deadline nào cả thì hãy xem xét lại quỹ thời gian của mình, xem có thể hoàn thành được công việc của mình và của đồng nghiệp hay không? Hãy hỏi đồng nghiệp về hạn chót của công việc và chia sẻ thật lòng nếu như bạn không thể làm thay họ, hoặc nhờ một đồng nghiệp khác giúp họ thay vì bạn cố nhận và không thể hoàn thành. Nếu như họ chưa từng nhờ bạn bao giờ, hãy hứa là lần sau bạn sẽ giúp họ khi bạn xong hết việc. Điều đó sẽ khiến cho đồng nghiệp của bạn cảm thấy không bị ngại ngùng khi bị bạn từ chối và sẽ có cảm giác bạn muốn giúp họ nhưng vì điều kiện khách quan mà thôi.

Đừng ân hận vì phải từ chối

Đừng nói “xin lỗi” trước một lời từ chối, dù cho bạn nghĩ rằng đó là một câu nói lịch sự nhưng vô hình chung lại biến bạn trở thành người có lỗi khi từ chối lời nhờ cậy của ai đó và khiến lời từ chối trở nên yếu ớt.

Bạn thực sự không thể ôm đồm hết tất cả công việc nên bạn mới phải từ chối, chứ không phải bạn không muốn giúp, vì thế đó không phải là lỗi ở bạn.

Tương tự như vậy, nếu như sếp giao quá nhiều việc cho bạn, bạn cũng cần học cách từ chối sếp. Hãy giải thích cho sếp hiểu bạn chỉ có thể làm tốt công việc khi tập trung vào một công việc nhất định, nếu bạn tham lam và thực hiện dàn trải nhiều việc một lúc, thì sẽ chỉ đem lại một kết quả nhàng nhàng mà thôi!

Thương lượng

Nếu như bạn bị buộc phải nhận thêm công việc đó vì nhiều lý do: Không ai phù hợp hơn bạn, đồng nghiệp tin cậy bạn và đã nhờ bạn một lần rồi, sếp nghĩ bạn sẽ làm tốt! Vậy bạn hãy thương lượng với họ, rằng nếu thêm một công việc này thì nên bớt đi một công việc khác bạn đang làm, (nếu như bạn thực sự nhiều việc và ai cũng biết điều đó), hoặc có thể để công việc đó ở deadline tháng sau hoặc kế hoạch tương lai, bạn sẽ hoàn thành nó đúng như kì vọng, còn nếu không thể thương lượng về deadline, bạn nên nói thẳng về thực trạng công việc và không nên hứa sẽ hoàn thành nó trọn vẹn như kì vọng của mọi người. Đó không phải là cách đổ lỗi hoặc cố tình không hoàn thành nhiệm vụ, mà thực sự quỹ thời gian của bạn có hạn, sự tập trung của bạn cũng có hạn, và bạn còn phải có thời gian để hoàn thành nhiều công việc khác với các mối quan hệ xã hội…Nếu sếp hay đồng nghiệp của bạn là một người hiểu chuyện, họ sẽ thông cảm cho hành vi của bạn.

Quý trọng công việc và quỹ thời gian của bản thân

Một số người bị rơi vào trạng thái nghiện công việc vì quá ôm đồm và muốn hoàn thành tất cả mọi việc được giao. Chứng nghiện công việc luôn đi kèm với những hiểm họa khôn lường, bạn sẽ bị mất cân bằng trong các mối quan hệ tình yêu, tình bạn, xã hội, gia đình…

Suy cho cùng, yêu công việc không phải là một cái tội, chỉ là chúng ta chỉ có 24 giờ cho một ngày, sự tập trung cao độ để hoàn thành công việc là 1/3 thời gian toàn ngày. Nếu như bạn không thể quản lý được quỹ thời gian của mình mà cứ chìm đắm vào một đống việc thì bạn sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng ngay lập tức. Khi ấy, bạn sẽ không còn thấy thoải mái khi ai đó nhờ cậy, không còn niềm yêu thích cho công việc chuyên môn mà bạn thích nhất, vì thế học cách từ chối khi được giao quá nhiều việc là một cách để bạn hoàn thành công việc của mình thật tốt, từ đó mới có thể giúp đỡ đồng nghiệp một cách thoải mái và hiệu  quả được.

Nam Trung

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.