Học khôn nơi công sở

Môi trường công sở luôn là nơi rèn giũa cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống, những điều mà bạn học được nơi công sở sẽ là chìa khóa vạn năng để bạn mở ra cánh cửa thành công trong cuộc sống. Thế nhưng, dù biết những lợi ích to lớn khi bạn hoạt động trong môi trường này thì không phải ai cũng có khả năng và cách thức để lĩnh hội những bài học từ công sở.

Bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn một số mẹo tích cực để bạn có thêm những bài học quý báu trong việc hoàn thiện bản thân mình trong môi trường công sở.

Hãy biết lắng nghe

Lắng nghe là một kĩ năng vô cùng quan trọng trong môi trường công sở. Bạn là người có năng lực chuyên môn? Bạn có tài ăn nói? Đó thực sự là những kĩ năng đáng ghi nhận, nhưng nếu kết hợp với yếu tố biết lắng nghe thì chắc chắn bạn sẽ là một nhân tố đầy tiềm năng cho những vị trí quan trọng trong công ty.

Lắng nghe người khác nói giúp bạn hiểu thêm về đối tượng mà mình đang giao tiếp, đồng thời lĩnh hội được tri thức của họ, ngoài ra việc bạn biết lắng nghe, chắt lọc và ghi nhớ thông tin sẽ giúp ích cho công việc của bạn rất nhiều, đồng thời những thông tin mà bạn lĩnh hội được từ việc lắng nghe sẽ làm phong phú tâm hồn và vốn sống của bạn sâu sắc thêm nhiều lần.

Không đưa chuyện

Điều tối kị trong môi trường công sở mà bạn tuyệt đối không được phép mắc phải đó là đưa chuyện. Bạn biết đấy, trong công ty diện tích rất nhỏ, đồng nghiệp thì nhiều, các mối quan hệ chồng chéo, dù bạn có không thích một đồng nghiệp nào đó, hoặc ai đó nói không tốt về người đồng nghiệp mà bạn chơi thân, thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn đi tung hê mọi chuyện.

Theo một nghiên cứu khoa học thì tốc độ truyền tin tại công sở tương đương với một nốt nhạc, vì thế bạn biết mặt trái của câu chuyện bạn vừa bức xúc rồi chứ? Hãy cân nhắc nếu như bạn không muốn mang đến cho mình một tá rắc rối chỉ vì một phút lỡ lời.

Im lặng đúng lúc

Bạn bực mình với đồng nghiệp vì anh ta, cô ta đã cướp công của bạn trong buổi họp? Bạn không hài lòng với cấp trên vì sếp bạn thực sự là một lãnh đạo thích áp đặt và bảo thủ? Bạn còn thấy bức xúc vì nhiều vấn đề trong công việc? Bạn muốn vạch trần tất cả. Đó là việc làm đúng nhưng “dại”. Bạn biết không? Cuộc sống đôi khi phải – trái bất minh, đúng – sai lẫn lộn, ranh giới giữa việc đúng hay sai đôi khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài sự thật. Điều đó không có nghĩa là bạn biết cái sai rành rành trước mắt mà vẫn phải im lặng, mà sự im lặng đúng thời điểm của bạn đôi khi còn quý hơn vàng. Nếu bạn thực sự là người có năng lực, bạn đừng lo mình không có “đất diễn”, tất cả những nhà tuyển dụng họ đều có một con mắt nhìn người thấu đáo và sâu sắc, việc quan trọng mà bạn cần làm không phải chứng minh rằng họ sai và bạn đúng mà điều bạn cần làm là chứng minh được năng lực thực sự của bạn với lãnh đạo.

Thể hiện năng lực đúng chỗ

Một vấn đề thấu đáo mà bạn đưa ra sẽ rất hoàn hảo nếu nó được trình bày đúng lúc và đúng chỗ. Ví dụ như trong một cuộc họp bạn hãy chủ động đưa ra ý kiến của mình trong phạm vi công việc, nhưng nếu cũng chủ đề ấy bạn lại đem nó để “diễn thuyết” trong một bữa tiệc của công ty thì thực sự không ổn chút nào. Hãy nhớ, việc trọng phải dùng đúng lúc và đúng chỗ, hiệu quả từ những vấn đề mà bạn đưa ra sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thấu đáo.

Cầu tiến

Một trong những phẩm chất của những người thành công đó là sự cầu tiến. Sự cầu tiến đồng nghĩa với việc bạn sở hữu một tinh thần lạc quan và biết lắng nghe, thừa nhận khiếm khuyết của bản thân. Người có tinh thần cầu tiến luôn biết lắng nghe, biết sửa đổi những mặt chưa tốt của bản thân để tiến bộ hơn. Cầu tiến không có nghĩa là bạn ngồi đó và vạch ra đủ thứ lý thuyết lạc quan mà bạn thực sự phải hành động, va vấp, trải nghiệm và không ngừng học hỏi, đó phải là một quá trình rèn luyện liên tục thì sự cầu tiến mới mang lại hiệu quả tích cực như bạn mong muốn.

Học từ những người thất bại

Bạn luôn nghĩ rằng bạn phải học từ những người thành công? Đúng, nhưng chỉ là một nửa của sự thật. Có câu nói “Một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Vậy vấn đề chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là gì? Đó là “Hãy học từ những người thất bại”. Bạn hãy nhìn họ, quan sát và rút ra kết luận cho mình “Tại sao họ thất bại? Họ thừa, thiếu điều gì? Họ phải thay đổi điều gì?” Từ những câu hỏi đó, hãy đưa ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình. Bạn có muốn là một kẻ thất bại không? Không ư? Vậy thì bạn đừng bao giờ mắc lỗi giống họ.

Diệp Anh Khương

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.