Học làm Mẹ một cách tự nhiên và hồn nhiên như trẻ

Học làm Mẹ một cách tự nhiên và hồn nhiên như trẻ

1. Cách cảm nhận vị ngon khác người lớn hoàn toàn

Vì sao bọn trẻ yêu cái vị “nhạt thếch” của sữa mẹ? Vì chúng không biết gì về vị ngon, hay vì chúng có khái niệm “vị ngon” khác hoàn toàn người lớn? Thật ra, cách mà trẻ nhỏ định nghĩa “vị ngon” khác với chúng ta rất nhiều. Nếu vị ngon đối với người lớn cần phải phong phú, đầy đủ chua cay mặn ngọt, ít nhất chút rau luộc cũng cần thêm bột ngọt thì đối với trẻ, chúng chỉ cần hương vị tự nhiên, nguyên bản của món ăn. Đó là lý do vì sao rất nhiều đứa trẻ thích ăn rau củ luộc nguyên chất, thích “nhá” cơm không, luôn sẵn sàng với vị của sữa mẹ/sữa tươi. Hơn nữa, trẻ nhỏ luôn “chào đón” các hương vị thực vật như gạo, rau củ quả… trước khi làm quen với thịt.

Bản năng ưa thích hương vị tự nhiên này là của mẹ tạo hóa đã giữ lại cho bọn trẻ, giúp chúng lớn lên và vượt qua ngay cả trong những điều kiện sống đơn sơ nhất. Nếu biết cách khai thác dinh dưỡng từ cơm, rau và đậu, các mẹ vừa có thể giảm bớt rất nhiều áp lực về kinh tế cũng như “hòa thuận” hơn với “phi vụ” ăn uống của con mình. Vậy lý do gì chúng ta cần phải làm cho sự việc phức tạp lên, cố gắng nêm nếm hương vị ngay từ khi con còn bé xíu, rồi nhồi ép con ăn thịt, dùng nước xương hầm và đủ thứ hương vị nhân tạo do chúng ta tẩm ướp, từ đường đến mì chính, chỉ vì chúng ta nếm thử và cảm thấy như vậy là ngon hơn?

2. Đi chân đất thật sự là hạnh phúc

Mặt đất, nói không quá lời, đó là thiên đường với bọn trẻ con! Và được cởi bỏ giày/dép để chạy chân trần, thật sự là một cảm giác tuyệt vời không khác gì các bà mẹ được chăm sóc bởi spa cao cấp. Bởi trên gan bàn chân có những huyệt đạo quan trọng mà khi kích thích có thể làm cho nội tạng được thư giãn, giải độc và tinh thần thư thái. Người lớn biết điều này, nhưng ngay cả trong những trường hợp an toàn, vẫn yêu cầu bọn trẻ đi giày/dép với lý do “lạnh chân”, thậm chí “bạo lực hóa” sự việc bằng cách dọa đánh/phạt trẻ con nếu tiếp tục đi chân đất.

Học làm Mẹ một cách tự nhiên và hồn nhiên như trẻ

Học làm mẹ một cách tự nhiên và hồn nhiên như trẻ

Thực chất đi chân đất là một nhu cầu cần được cha mẹ quan tâm và tạo điều kiện cho trẻ được thỏa mãn, bởi lẽ đây là một “kênh” quan trọng để trẻ tiếp xúc với thế giới, phát triển giác quan, cân bằng cảm xúc và thư giãn, cũng như đào thải độc tố cho đường ruột.

3. Ăn bốc là “giáo án” đầu tiên mẹ dành cho con

Trong một năm đầu đời, với dinh dưỡng từ sữa mẹ (hoặc sữa công thức khi mẹ không đủ sữa), thì việc ăn dặm chỉ là quá trình “thực tập” cho con về các phản xạ nhai, nuốt, tiêu hóa thức ăn. Và ăn bốc là 1 hình thức đặc biệt tốt cho cả sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Sẽ thật là tội nghiệp nếu đứa trẻ đang ở độ tuổi tò mò khám phá và “thưởng thức” thế giới lại bị bố mẹ bắt ngồi thật yên, thổi phù phù từng thìa cháo/ bột rồi cố gắng “nhét” vào miệng con. Đối với trẻ dưới một tuổi, đừng cố gắng đo đếm từng thìa cháo/ bột, bởi nhu cầu của cơ thể trẻ không phải là điều đó. Chúng ta đừng cố gắng làm trái lại quy luật tự nhiên, bởi trước khi sử dụng bất cứ công cụ nào, con người cũng cần cầm/nắm trực tiếp. Hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Con cần biết về thế giới qua từng bữa ăn, những món ăn với sự cứng/ mềm/ nóng/ lạnh…. Con cần hiểu về những ngón tay của mình và “hướng dẫn sử dụng” đầy đủ các ngón tay trước khi bị đè nặng áp lực về dinh dưỡng. Có thể nói, khi trẻ thoải mái cầm, nắm thức ăn và tự tin đưa thức ăn vào miệng, dù có thể sau đó trẻ sẽ nghẹn, hóc, trớ đi chăng nữa thì không có đứa trẻ nào không ghi nhớ những kinh nghiệm ấy và sự việc bị hóc, nghẹn… sẽ không lặp lại quá lần thứ ba. Đừng vội nghĩ đến điều gì kinh khủng khi hóc, trớ… bởi thật ra, bọn trẻ với bản năng sinh tồn mạnh mẽ gấp nhiều lần người lớn, sẽ tự hiểu mình nên làm gì với thức ăn của mình. Vấn đề chỉ là cha mẹ của trẻ có chịu tin điều ấy hay không.

4. Trẻ cần được chiều chuộng trước khi khép vào kỷ luật

Con trẻ cần có lòng tin chắc chắn rằng nó được yêu thương, trước khi nó bị răn đe về chuyện phải làm điều này, điều kia hay được giáo huấn về những nguyên tắc đúng – sai. Tôi là một người mẹ, và tôi thật sự không có thiện cảm với những người trông thấy trẻ nhỏ là suy diễn đủ thứ lo lắng, nguy cơ và hạn chế bọn trẻ chạy nhảy, chơi đùa và luôn cố tình mong muốn bọn trẻ nhận thức về nguyên tắc hay quy định. Trước 3 tuổi, tôi để con lựa chọn ăn hoặc không ăn, tuyệt đối không thúc ép. Tôi kiên nhẫn dọn đồ chơi con tôi bày ra mà không một lời trách móc. Chuyện dọn dẹp là vấn đề nhắc nhở dần dần, dành cho khoảng thời gian sau đó. Tôi cũng không phạt khi con tôi chưa tròn 2 tuổi. Đặc biệt vấn đề chào hỏi người lớn khi gặp mặt, thì tôi chủ động chào hỏi vui vẻ với mọi người, chủ động nói chuyện với các em bé khác trước mặt con, chứ tôi tuyệt đối không bao giờ nhắc nhở “con chào bác/ cô đi”, cũng không hề ép con phải “để yên” nếu con lảng đi hoặc tỏ thái độ đẩy người lạ ra, khi người ấy muốn nói chuyện hoặc bế con mình. Trẻ nhỏ sống hoàn toàn bằng bản năng, trong đó có bản năng tự vệ. Thêm nữa, trước khi răn đe, nhắc nhở hay áp dụng các hình thức kỷ luật “vào khuôn khổ”, tôi cho rằng con cần phát triển một cách tự nhiên, ít nhất cho đến khi 3 tuổi. Trong thời gian này, nếu con đòi hỏi một điều gì đó không thể được, tôi cũng chỉ để kệ cho con khóc lóc đến khi nào con chán chứ tuyệt đối không la mắng. Tôi chỉ muốn con tin rằng tôi yêu con rất nhiều. Khi xây dựng được cảm nhận chắc chắn của con về tình yêu ấy, thì con sẽ dễ dàng chấp hành những “khuôn khổ” tôi đề ra.

Xem thêm

Món ngon cho bé

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.