Trong quá trình chuẩn bị du học, các bạn học sinh, sinh viên phải thực hiện rất nhiều việc và với hành trang mang theo ấy, chắc chắn không thể thiếu đối với mỗi bạn là kiến thức, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.
-
Hiện nay, nhiều bạn đã có những bước chuẩn bị ngoại ngữ cho bản thân từ khá sớm. Tuy nhiên, một số bạn khác vẫn cho rằng đó là việc sẽ thực hiện ở nước ngoài vì ở Việt Nam khó đạt được các kỹ năng cần thiết và xác định nếu có học cũng chỉ học “cầm chừng” để có thể phỏng vấn sơ bộ mà thôi.
Chính vì điều này, các bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển tiếp sang sinh sống và học tập ở một môi trường mới. Không những thế, thời gian cũng như học phí để các bạn “làm lại từ đầu” cũng tốn kém khá nhiều. Đó là chưa kể những “lỗ hổng” kiến thức khi các bạn lơ là trong học tập khi còn ở Việt Nam.
Học ngoại ngữ là cả một quá trình và để đạt đến một trình độ nhất định, đủ điều kiện nhập học ở nước ngoài, có khả năng giao tiếp, trình bày cũng như diễn đạt một vấn đề lại càng vô cùng khó khăn. Cũng có một thực tế là nhiều bạn đã đạt điểm rất cao trong các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng khi đi du học lại rất khó hòa nhập ở môi trường mới. Theo mình, để có một nền tảng ngoại ngữ vững chắc và tự tin áp dụng trong mọi việc, các bạn cần:
-
1
Học ở các trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam
Các trung tâm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh “ra đời” ngày một nhiều, đặc biệt ở các thành phố lớn. Đây chính là cơ hội để các bạn có thể chọn cho mình một nơi học phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng. Tất nhiên, người học cũng cần tìm hiểu các thông tin một cách cẩn thận từ nhiều nguồn khác nhau. Hội đồng Anh (học tiếng Anh) hoặc Viện Goethe (học tiếng Đức)… là những địa chỉ tin cậy cho các bạn.
Học ở trung tâm, các bạn sẽ được những giáo viên Việt Nam cũng như nước ngoài hướng dẫn và quan trọng hơn cả là có một “môi trường” để học tập, để hỏi đáp, để giao lưu và dễ nhớ, dễ vận dụng hơn khi tự học.
-
2
Học ngoại ngữ qua mạng
Thời gian ở trung tâm, trên lớp có những giới hạn nhất định và các bạn nên tìm kiếm các nguồn thông tin khác để bổ sung kiến thức cho mình. Hiện nay, nhiều bạn học ngoại ngữ đã tham gia vào các trang xã hội để hỏi đáp những vấn đề thắc mắc, nghe tin tức thông qua các trang Web của quốc gia các bạn dự định đến hoặc nghe radio thường xuyên để cải thiện khả năng nghe của bản thân.
-
3
Học qua “lỗi”
Trong quá trình học tập và sử dụng ngoại ngữ, có những điểm văn phạm các bạn vẫn chưa rõ, hoặc những câu không biết viết như thế nào cho đúng. Vậy thì, hãy mạnh dạn viết ra. Một ngày, có thể chỉ viết vài dòng hoặc một bài hoàn chỉnh về bất cứ một chủ đề nào mà mình đã có vốn từ tương đối khá. Sau khi hoàn tất, các bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của giáo viên trong việc góp ý, sửa chữa và quan trọng hơn cả đó là cách dùng từ ngữ trong những tình huống khác nhau.
Ngoài ra, nếu may mắn hơn, các bạn có thể nhận được sự giúp đỡ của bạn bè người nước ngoài thông qua các trang mạng xã hội. Nhiều người rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn, góp ý. Chắc chắn, chỉ trong một thời gian ngắn, khả năng “viết lách” của các bạn sẽ tốt hơn rất nhiều qua những “lỗi” đã được góp ý.
-
4
Định hướng bài thi
Sau khi đã có những kiến thức đủ điều kiện dự thi các chứng chỉ, lúc này các bạn cần “đầu tư” thời gian để tìm hiểu hình thức thi, tìm hiểu các chiến lược để có thể thực hiện bài thi một cách tốt nhất.
Mục tiêu của những kỳ thi này hết sức quan trọng và đó là minh chứng để các bạn có thể sang nước ngoài học tập.
-
5
Hoàn thiện các kỹ năng ngoại ngữ ở nước ngoài
Khi sống và học ở nước ngoài thì các bạn phải nghe, nói, đọc, viết. Đây là môi trường lý tưởng nhất để hoàn thiện các kỹ năng. Nếu các bạn tự tin giao tiếp với người bản xứ, siêng đọc các bản tin, báo chí nước sở tại, nghe tin tức mỗi ngày và viết để nhờ người góp ý thì các bạn sẽ thành công. Không có nơi nào học ngoại ngữ hiệu quả bằng học chính tại đất nước đang sử dụng ngoại ngữ ấy.
Mỗi ngày một từ, một câu vẫn có thể chấp nhận được nếu các bạn duy trì thường xuyên việc học. Và, khi biết thêm một ngoại ngữ thì nhiều kiến thức, nhiều cơ hội thành công hơn sẽ đến với các bạn.