Hệ thống chế tạo bằng ống nhựa của nhóm học sinh lớp 9 ở Sài Gòn có thể biến nước thải từ máy lạnh, nước mưa, thành nước uống.
Gần một tháng lên ý tưởng, mày mò thiết kế và lắp đặt, công trình của nhóm học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) đã hoàn thành. Hệ thống xử lý nước thải từ máy lạnh, nước mưa, đang được đặt giữa sân trường cho mọi người tham quan.
Bộ xử lý nước thải từ máy lạnh và nước mưa thành nước uống của nhóm học sinh lớp 9, trường THCS Lê Quý Đôn. (Ảnh: Mạnh Tùng).
Nhóm trưởng Lý Ngọc Minh Khoa cùng hai bạn Gia Tuệ và Phi Long hoàn thiện sản phẩm với sự hướng dẫn của các thầy cô bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghiệp và Mỹ thuật.
“Chúng em chọn đề tài này bởi tình trạng nóng lên toàn cầu và sự khan hiếm nước sạch đang diễn ra, trong khi đó nguồn nước mưa ở nông thôn và nguồn nước thải từ máy lạnh ở các tòa nhà đang bị lãng phí”, Khoa cho biết.
Nhóm học sinh lên ý tưởng sử dụng nguồn nước này cho nhu cầu sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Liên hệ với tình trạng ngập nước ở TP HCM, bộ ba thấy rằng, nếu mỗi tòa nhà đều có bồn chứa nước máy lạnh và nước mưa để chuyển thành nước sinh hoạt thì có thể giảm được tình trạng này.
“Nước máy lạnh và nước mưa đều do ngưng tụ từ không khí, có thể coi là nước sạch. Tuy nhiên chúng có lẫn một số tạp chất do không khí ô nhiễm nên cần xử lý để có thể sử dụng làm nước uống”, Khoa giải thích.
Ắc quy năng lượng mặt trời được sử dụng để chạy máy bơm nước lên hệ thống lọc. (Ảnh: Mạnh Tùng).
Tranh thủ sau giờ học, Khoa và các bạn lên phòng thí nghiệm của trường họp nhóm, thiết kế sơ đồ hệ thống xử lý nước thải dạng nhỏ, phù hợp cho một căn nhà phố. Họ lấy mẫu nước thải máy lạnh và nước mưa, xét nghiệm theo tiêu chuẩn nước uống rồi tính toán vật liệu xử lý cho phù hợp.
Cấu tạo hệ thống lọc nước khá đơn giản, gồm một bộ ắc quy năng lượng mặt trời để chạy một máy bơm nhỏ. Máy bơm sẽ hút nước từ bồn lên hệ thống các ống lọc.
Hệ thống lọc gồm 3 cặp bồn làm từ ống nước nhựa, mỗi cặp gồm một bồn lọc và một bồn chứa. Nước mưa và nước thải máy lạnh từ bồn chứa lần lượt đi qua hệ thống lọc tới bồn lọc sứ, cuối cùng ra thành phẩm nước sạch.
Tiếp đó, nhóm lấy mẫu nước sau khi đã xử lý đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn nước ăn rồi tiếp tục xử lý số liệu và điều chỉnh phương pháp lọc. Đến khi kết quả kiểm nghiệm mẫu nước trả về từ Phòng kiểm nghiệm hóa lý – vi sinh của Viện Pastuer TP HCM là “nằm trong giới hạn chophép”, thầy và trò đều thở phào nhẹ nhõm.
Theo Minh Khoa, các hộ dân ở vùng sâu và nơi khô hạn có thể sử dụng bộ lọc nước cỡ nhỏ này để có nước sạch sử dụng quanh năm, miễn họ có một bồn chứa nước mưa. Chi phí cho hệ thống lọc khoảng 10 triệu đồng, song nếu được sản xuất đại trà giá chỉ còn một nửa.
Học sinh đo đạc các bộ phận để thiết kế hệ thống lọc nước thẩm mỹ hơn. (Ảnh: Mạnh Tùng).
TS Phạm Đăng Khoa (Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn) cho biết, sản phẩm trên sẽ được trường chọn dự thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung họccấp thành phố. Sản phẩm có tham khảo quy trình xử lý nước thải của một công ty môi trường, song ý tưởng ở từng bộ phận do học sinh sáng tạo.
“Điều hay nhất ở sản phẩm này là ý nghĩa bảo vệ môi trường với hướng tới cộng đồng của học sinh. Các em mong muốn hệ thống lọc nước này sẽ được lắp cho người dân ở những nơi khó khăn, thiếu nước sạch. Đó là điều chúng tôi rất mừng”, ông Khoa chia sẻ.
Theo VnExpress