Hội chứng sợ đi máy bay là một hội chứng thần kinh khiến người mắc bệnh xuất hiện cảm giác sợ hãi ở mức độ cao hơn cần thiết. Những người này sợ phải đi lên máy bay, ngồi trong máy bay để di chuyển. Các triệu chứng thường xuất hiện đó là hơi thở dồn dập, mạch đập nhanh, toát mồ hôi tay và liên tục xuất hiện các suy nghĩ lo lắng về những khả năng xấu có thể xảy ra với máy bay bất kỳ lúc nào. Trên thực tế, mọi người đều có một mức độ sợ đi máy bay khác nhau. Bạn ngồi trong một ống kim loại hình trụ, được nạp chất lỏng dễ cháy và lơ lửng giữa không trung. Ai sẽ không có bất kì lo lắng nào?
1. Thế nhưng đi máy bay có thật sự đáng sợ?
Bạn có biết rằng cứ sáu người lớn lại có ít nhất một người sợ đi máy bay. Người ta ước tính rằng, 35% phi hành đoàn cũng có thể sợ độ cao hoặc sợ bay. Họ vẫn lên máy bay vì đó là công việc kiếm sống của họ, vì vậy không có gì phải lo lắng hay xấu hổ nếu bạn cũng có nỗi sợ đó. Điều quan trọng là nhận ra và kiểm soát được nó.
Nỗi lo sợ máy bay đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như không gian kín, chiều cao, âm thanh lạ, không khí bí bách, tình trạng đông đúc, sự thiếu kiểm soát và nỗi sợ mới nhất – khủng bố.
Dưới đây là một số thống kê có thể sẽ có ích với những người mang hội chứng sợ máy bay:
– Di chuyển bằng đường hàng không là phương thức an toàn thứ hai của giao thông công cộng trên thế giới. Nó chỉ đứng sau cầu thang cuốn và thang máy. Nguy cơ có mặt trong một vụ tai nạn máy bay là khoảng 1 trên 11 triệu trong khi nguy cơ bị tử vong trong tai nạn ô tô là 1 trên 5.000. Phần nguy hiểm nhất đe dọa chuyến bay của bạn lại là trên đường đi taxi ra sân bay.
– Tất cả các máy bay được thiết kế và chế tạo để chịu nhiều căng thẳng hơn trong chuyến bay bình thường, bao gồm bất ổn thông thường và bất thường. Một cơn bão nghiêm trọng có thể làm hỏng máy bay. Đây là lý do tại sao các chuyến bay sẽ thay đổi giờ bay hoặc hủy chuyến khi có bão.
– Chín mươi chín phần trăm thương tích và tử vong là do không cài đai an toàn hoặc bị hành lý rơi trúng.
– Nguy cơ tử vong vì thực phẩm trên máy bay còn cao hơn nguy cơ tử vong do máy bay gặp nạn.
2. Cách vượt qua nỗi sợ đi máy bay
– Không che giấu nỗi sợ: Hãy nói với nhân viên sân bay khi làm thủ tục, tiếp viên của chuyến bay khi bạn bạn lên máy bay, và các hành khách xung quanh khi bạn ngồi xuống ghế. Sợ đi máy bay không có gì phải xấu hổ và bạn cần hỗ trợ chứ không phải đau khổ trong im lặng.
– Hãy coi những rung lắc của máy bay giống như những va chạm trên đường. Đừng căng thẳng quá hoặc tìm cách chống lại nó. Thay vào đó, hãy để cơ thể bạn tự do lắc lư theo những chuyển động của máy bay.
– Khi làm thủ tục check-in, hãy nói với nhân viên sân bay để lấy chỗ ngồi càng gần cabin càng tốt vì máy bay thường rung lắc nhiều hơn ở phía thân sau. Nếu hội chứng sợ máy bay của bạn quá lớn, không nên cố gắng trên một chuyến bay dài. Hãy chọn các chuyến ngắn nhất có thể và chọn chiếc máy bay lớn nhất có thể.
– Cố gắng phân tâm: Xem phim, đọc sách, giải câu đố, chơi games… làm bất cứ việc gì để tâm trí bạn không bị dính chặt với những tiếng ồn của động cơ máy bay.
– Tránh xa cà phê hoặc các sản phẩm của cà phê vì trạng thái tỉnh táo chỉ khiến lo lắng của bạn trầm trọng thêm. Hãy uống nước lọc. Hoặc bạn có thể hỏi tiếp viên để có một ly rượu vang sẽ có tác dụng làm dịu các dây thần kinh, tuy nhiên không nên lạm dụng nó.
– Nghe các bản nhạc thanh bình và êm dịu: Sự êm ả của âm nhạc giúp tâm trí bạn bay bổng và tập trung vào âm thanh này thay vì tiếng ồn của máy bay.
– Kỹ thuật dây cao su: Đây là một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng. Mang theo một sợi dây cao su rộng khoảng 1 centimet và khi bạn bắt đầu thấy mình có xu hướng trở nên bị kích động, hãy buộc chặt sợi cao su quanh cổ tay bạn. Cao su thít vào tay sẽ khiến bạn thấy đau và giúp bạn tạm thời sao nhãng khỏi những tác động rung lắc của máy bay.
– Đọc kỹ tờ hướng dẫn: Tờ hướng dẫn cho bạn biết những tình huống có thể xảy ra và cách ứng phó như thế nào trong các trường hợp. Nếu thấy cần, bạn có thể hỏi thêm các tiếp viên về những thông tin bạn thấy hữu ích cho mình.
– Hít thở sâu thường xuyên nhất bạn có thể: Nhắm mắt lại để tập trung hít thở sâu và chậm. Để đảm bảo mình thở đúng cách, bạn hãy đặt tay lên bụng, khi bạn hít sâu vào thì bạn sẽ thấy tay mình di chuyển lên trên. Giữ hơi thở trong 3 giây rồi thở ra bằng miệng, bạn sẽ thấy vai mình hạ xuống khi thở ra. Hãy nhớ rằng túi nôn luôn ở phía trước bạn và bạn có thể sử dụng chúng như một thiết bị hỗ trợ thở sâu.
Thảo Nguyên
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.