Ngày 5/3, Hội nghị bảo vệ hành tinh 2007 đã khai mạc tại Hoa Kỳ để thảo luận các biện pháp bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ va chạm với các vật thể vũ trụ.
Đươc tổ chức tại trường Đại học George Washington ở Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, Hội nghị bảo vệ Trái đất (Planetary Defense Conference) kéo dài từ ngày 5-8/3, dưới sự bảo trợ của 13 tổ chức quốc tế thuộc lĩnh vực hàng không và vũ trụ, trong đó có Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Hoa Kỳ (AIAA).
Mục đích của Hội nghị này là đánh giá sự hiểu biết về nguy cơ va chạm giữa Trái Đất với vật thể vũ trụ, xem xét khả năng hiện tại của con người trong việc khám phá và theo dõi những vật thể gần Trái Đất (Near Earth Objects-NEO). Từ đó, giới khoa học sẽ phân tích những giới hạn trong khả năng làm chệch hướng những vật thể nguy hiểm.
Hội nghị bảo vệ hành tinh 2007 sẽ tập trung vào các biện pháp bảo vệ Trái đất trước sự đe dọa của các vật thể nguy hiểm trong vũ trụ. (Ảnh: Aerospace Corporation) |
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chủ yếu như: Phương thức phát hiện và xác định đặc điểm của các vật thể có khả năng đe dọa Trái Đất; các biện pháp kỹ thuật để làm chệch hướng di chuyển của một vật thể nguy hiểm; những hậu quả có thể có nếu một vật thể vũ trụ va vào Trái Đất; cách thức chuẩn bị để đối phó với một vụ va chạm có thể xảy ra.
Đồng thời, tại Hội nghị trên, giới khoa học cũng sẽ thảo luận những vấn đề chính trị, chính sách và pháp lý có ảnh hưởng đến việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ va chạm giữa Trái Đất và vật thể vũ trụ.
Hội nghị bảo vệ Trái đất đã được tổ chức sau khi có những thông tin phát đi cho biết, một tiểu hành tinh được đặt tên là Apophis, đường kính 140 mét có nhiều khả năng đụng vào Trái đất vào ngày 13/4/2036.
Các chuyên gia dự đoán, trong trường hợp xấu nhất, Apophis sẽ gây ra một vụ nổ trên Trái Đất lớn gấp 80.000 lần vụ nổ từ quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945.
Các kỹ sư ở NASA đang theo dõi qua màn hình ảnh vụ va chạm giữa tàu vũ trụ với sao chổi vào tháng 7/2005. (Ảnh: AP) |
Quang Minh
Theo Space Ref, Aerospace Corporation, VNN