Vài chục năm nay những quả đào Tiên – giống đào quý trên đỉnh núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã bị quên lãng vì lai tạp. Chúng có lẽ sẽ tiếp tục bị rơi vào quên lãng nếu như không có một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sinh học thực nghiệm (Bộ KH-CN) vào cuộc.
Nguy cơ mai một
So với các vùng núi phía Bắc nước ta như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Nghĩa Lộ (Yên Bái)…, thì núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) được thiên nhiên ưu đãi có giống đào ngon và nổi tiếng nhất. Quả đào ở đây có màu sắc, hương vị khác hẳn những nơi khác: Khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng, ai đã từng được ăn sẽ không thể quên. Mỗi quả đào Mẫu Sơn to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg.
Từ khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước trở lại đây, cùng với sự thoái hóa giống theo thời gian, sự lai tạp với giống đào đắng, lại không được chăm sóc, nhân giống đúng cách (cây tự mọc lên từ hạt quả đào chín rụng xuống), cây đào Mẫu Sơn ngày càng cằn cỗi, bị sâu bệnh tàn phá; quả ngày càng nhỏ mất dần giá trị. Những cây đào già lụi chết trong khi đào mới không được trồng thêm. Thậm chí, có nhiều nơi, người dân còn đào gốc lên, trồng thay thế bằng cây ngô hay những loại cây trồng khác.
Cho đến nay, những nghiên cứu về đào Mẫu Sơn chưa nhiều, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về tuyển chọn, phục tráng giống. Cũng chưa có nghiên cứu nào về các biện pháp kỹ thuật thâm canh, cải tạo vùng đào Mẫu Sơn một cách hệ thống. Các giống đào nhập nội đưa vào Mẫu Sơn như Eardy Grand, Flora Prince, Maravilha chưa phát huy tác dụng. Giai đoạn 1998-2002, đã có một dự án được triển khai tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) nhằm phục tráng 2ha đào Mẫu Sơn, tuy nhiên, kết quả chưa như ý muốn, năng suất còn thấp, quả nhỏ, nhiều sâu bệnh.
“Đánh thức” đào Tiên
Với mong muốn vực lại giống đào quý, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã đến tìm hiểu nguyên nhân làm thoái hóa đào Mẫu Sơn. Từ đó, đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh cải tạo vùng đào đặc sản ở khu du lịch Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn” của Th.S Nguyễn Thị Thu Châu và các cộng sự đã ra đời. Chỉ sau 2 năm thực hiện, kết quả của đề tài đã chất chứa nhiều tín hiệu vui. Các cán bộ của đề tài đã hướng dẫn cho bà con thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) và thôn Pắc Đây, xã Công Sơn (huyện Cao Lộc) những kỹ thuật đốn tỉa, ghép cải tạo vườn đào cũ; bón phân đúng, đủ; phòng trừ sâu, bệnh bằng biện pháp bẫy bả sinh học… Nhờ những biện pháp đơn giản mà hiệu quả, các nhà khoa học đã giúp năng suất và chất lượng vườn đào Mẫu Sơn được cải thiện rõ rệt.
Chỉ sau một năm, vụ thu hoạch đầu tiên đã cho kết quả khả quan, cây đào Mẫu Sơn đã sai quả hơn, quả to hơn và ít bị sâu bệnh hơn. Theo người dân địa phương, những năm qua vụ đào nào cũng sai quả và vụ sau thu hoạch tốt hơn vụ trước, thay vì cứ một vụ ra quả lại một vụ mất mùa như trước. Nếu như trước đây, mỗi cây đào chỉ thu hái nhiều nhất được 20kg, quả chưa chín đã rụng vì sâu bệnh, thì nay mỗi cây cho thu hoạch tới 50kg quả đào chín, bán được 10.000-15.000 đồng/kg, thu nhập từ việc trồng đào của người dân cao hơn thu nhập do các cây trồng khác mang lại.
Nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài đã phối hợp Hội Giống cây trồng Việt Nam, Cục Trồng trọt, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn cây đào đầu dòng. Ðến nay, đề tài đã tuyển chọn được 16 cây đầu dòng bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, phục vụ tốt cho công tác nhân giống vô tính và khôi phục phát triển vùng đào đặc sản tại Mẫu Sơn. Với sự giúp đỡ của Bộ môn Cây ăn quả, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật ghép nhân giống, ghép cải tạo vườn đào.
Trong thời gian tới, đào Mẫu Sơn được trông đợi sẽ lại trở thành sản phẩm đặc sản có giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Dao và phát triển khu du lịch sinh thái ở Mẫu Sơn.
Theo Hanoimoi