Hồi sinh nhờ công nghệ tia mắt

Hồi sinh nhờ công nghệ tia mắt

Công nghệ tia mắt có thể mang lại sự độc lập nhất định cho những người mắc hội chứng cơ thể bị khóa chặt và mất khả năng kiểm soát cơ thể.

Hội chứng nhốt trong (LIS) chỉ những người đột nhiên mất khả năng kiểm soát các chức năng thể chất của cơ thể trong khi đầu óc vẫn tỉnh táo, nói cách khác họ bị khóa chặt bên trong cơ thể của chính mình. Tuy nhiên, theo chương trình vận động cho Tuần lễ nhận thức não, Bệnh viện Hoàng gia về khuyết tật thần kinh (RHN) tại London đã chứng tỏ rằng công nghệ tia mắt có thể giúp những bệnh nhân bị hội chứng này có thể trao đổi, bày tỏ bản thân và có thể sử dụng máy tính hoặc vào internet.

Chỉ tính riêng tại Anh, hiện có khoảng 350.000 người cần được hỗ trợ trong hầu hết hoạt động hằng ngày, từ những người bị bệnh về dây thần kinh vận động hoặc đa xơ cứng, đến những bệnh nhân bị chấn thương não nghiêm trọng hoặc đột quỵ. Đối với một số người trong nhóm này, mắt là bộ phận duy nhất trên cơ thể mà họ có thể kiểm soát được liên tục và không bị mệt mỏi. Công nghệ tia mắt sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phát hiện ra điểm mà cặp mắt người dùng đang hướng vào. Công nghệ này tận dụng lợi thế về mảng sáng phản xạ khỏi vật thể hình cầu, chẳng hạn như cầu mắt, để định vị điểm mà con ngươi có liên quan đến hình ảnh phản xạ đó, và xác định được đồng tử mắt đang nhìn về điểm gì.

Hồi sinh nhờ công nghệ tia mắt
Công nghệ mới mang lại hy vọng cho người liệt toàn thân – (Ảnh: Digital Trends)

Cụ thể, toàn bộ quá trình cho phép một người bị LIS có thể điều khiển con trỏ chuột bằng mắt, chỉ cần nhìn vào một điểm cụ thể trên màn hình. Bệnh nhân có thể lướt web bằng một trình duyệt tùy chọn, và trao đổi với những người khác bằng cách dùng mắt để “gõ” vào các ký tự trên bàn phím ảo. “Dùng mắt theo phương pháp trên có vẻ khá bất thường, vì cặp mắt của chúng ta thường xuyên đảo xung quanh, kiểm tra chuyện gì đang xảy ra, nhưng trong trường hợp này người dùng phải “khóa” ánh mắt vào những điểm cụ thể, nên cần thời gian để làm quen với nó”, tờ Telegraph dẫn lời Marc Viera, hướng dẫn viên kỹ thuật tại sự kiện RHN. Ông cho hay lần đầu tiên sử dụng, người dùng có thể chẳng duy trì nổi quá 20 phút do họ cần lập trình lại các bó cơ quanh mắt. Nhưng đến lần thứ hai và ba, hầu hết đều bắt đầu quen với cách sử dụng mắt theo kiểu này.

Chuyên gia Viera cho hay công nghệ tia mắt đã thay đổi cuộc sống của nhiều người mà trước đây hoàn toàn bị đẩy vào tình trạng bất lực. Ông đề cập đến một trong những bệnh nhân của mình, đã bắt đầu sử dụng công nghệ trên sau nhiều năm ngồi lặng lẽ trước màn hình TV mà không thể tự chuyển kênh. Trong vòng vài tuần kể từ khi tập dùng mắt để điều khiển, người này có thể đọc sách và bắt đầu nối lại liên lạc với những người bạn không tiếp xúc nhiều tháng qua. Một người khác là Steve Thomas, một cựu lập trình viên máy tính, bị vấn đề về thần kinh vận động, khiến ông hầu như bị liệt hoàn toàn. Thomas được giới thiệu về công nghệ tia mắt và từ đó sử dụng nó làm phương tiện để trao đổi, tham gia truyền thông xã hội, viết thư điện tử cho bạn bè, viết blog, nghe nhạc và liên lạc với gia đình qua Skype.

Một trong những nhược điểm cần được cải thiện của công nghệ này là làm sao thay đổi để phù hợp sử dụng ngoài trời. Mức độ ánh sáng hồng ngoại của thiết bị vẫn còn thấp, nên thậm chí vào ngày u ám, ánh sáng hồng ngoại từ mặt trời cũng vô hiệu hóa những cảm biến định vị tia mắt của người dùng.

 

Theo Thanh Niên