Tính đến ngày 30/8, bệnh lùn sọc đen đã phát sinh gây hại tại 28 tỉnh thành phố với tổng diện tích nhiễm bệnh đến nay đã vượt 20.000ha, trong đó diện tích nhiễm nặng hơn 2.200ha tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ hè thu, mùa 2010, ngày 7/9, giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với ban chỉ đạo phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa và các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Lúa bị bệnh lùn sọc đen (Ảnh: Báo Ninh Bình)
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh hiện nay, ngành nông nghiệp đã bảo vệ sản xuất được 1,1 triệu ha lúa mùa ở phía Bắc, đối với lúa hè thu thì 70% diện tích vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm do dịch bệnh lùn sọc đen hoặc có thể do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết.
Nếu khắc phục được thì Việt Nam sẽ được mùa trong khi cả thế giới mất mùa. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay chưa phải đỉnh cao bệnh lùn sọc đen vì vậy chưa thể khẳng định về kết quả vụ mùa năm nay. Đỉnh điểm của bệnh lùn sọc đen vào thời gian từ 15/9 cho đến đầu tháng 10, vì vậy phải sau thời điểm này mới có thể khẳng định là được mùa hay mất mùa.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng lưu ý các địa phương là thời điểm hiện nay đã qua giai đoạn phòng bệnh và đang ở giai đoạn trừ bệnh, do đó Cục bảo vệ thực vật cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát đồng ruộng tốt, đảm bảo phát hiện bệnh sớm để công tác trừ bệnh đạt hiệu quả, tránh để tình trạng mất mùa do nguyên nhân chủ quan của dịch bệnh.
Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết tình hình sâu bệnh và dịch bệnh trên lúa rất phức tạp. Vừa qua, tỉnh đã cấp toàn bộ lúa giống cho các hộ nông dân trên tổng diện tích khoảng 83.000ha, tổ chức phun thuốc phòng trừ bệnh lùn sọc đen cho toàn bộ diện tích lúa, những nơi bị nhiễm nặng được tổ chức phun thuốc tới 3 lần. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ đã lên tới 4,6 tỷ đồng, được trích từ ngân sách địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng… cũng cho biết, tỉnh cũng đã trích ngân sách địa phương cấp toàn bộ lúa giống cho các hộ dân, tổ chức phun thuốc, giám sát chặt chẽ đồng ruộng để phòng chống bệnh lùn sọc đen và phòng chống các dịch bệnh khác trên lúa.
Theo Vietnamplus