Hơn 300 triệu người khốn đốn vì khí nhà kính

Theo một nghiên cứu toàn diện nhất về tác động của hiệu ứng nhà kính, mỗi năm tình trạng ấm lên toàn cầu cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hàng trăm triệu người khác.

Số vụ cháy rừng đang tăng lên do biến đổi khí hậu. Ảnh: wordpress.com.

Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu – do cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan thành lập – đã thực hiện một nghiên cứu về sự thay đổi các mô hình thời tiết và tác động của chúng đối với con người. Nghiên cứu cho thấy 325 triệu người đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của hiệu ứng nhà kính. Tổng thiệt hại về mặt kinh tế do biến đổi khí hậu gây nên vào khoảng 125 tỷ USD mỗi năm.

Phần lớn trường hợp tử vong vì hiệu ứng nhà kính sẽ xảy ra ở những nước đang phát triển như Bangladesh, Sudan – nơi dễ bị lũ lụt và hạn hán tấn công. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết bất thường như đợt nắng nóng từng xuất hiện tại châu Âu vào năm 2003.

Ngoài những tác động trực tiếp (giảm sản lượng lương thực, cháy rừng, lũ lụt, hạn hán, giảm sản lượng tài nguyên biển), tình trạng ấm lên toàn cầu còn gây nên nhiều hậu quả gián tiếp. Chẳng hạn, khi nước ngày càng trở nên khan hiếm, xung đột do tranh chấp nguồn nước giữa các cộng đồng dân cư, thậm chí giữa các quốc gia, là điều khó tránh khỏi.

Ông Annan cho rằng bản báo cáo nghiên cứu là “hồi chuông giục giã” trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại Copenhagen vào cuối năm nay để đàm phán về một thỏa thuận quốc tế mới về biến đổi khí hậu.

“Thay đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng thầm lặng của loài người, nhưng nó lại là thách thức nhân đạo lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Ngay tại thời điểm này vài trăm triệu người đang chịu tác động tiêu cực của hiệu ứng nhà kính. Phần lớn trong số đó không ý thức được rằng họ là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần một thỏa thuận quốc tế để ngăn chặn sự nóng lên của trái đất và tác động của nó”, ông phát biểu.

Barbara Stocking, giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam (Anh), nhấn mạnh rằng đa số nạn nhân sống ở những nước đang phát triển.

“Những nước nghèo nhất thế giới phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất dù họ hầu như chẳng làm gì để gây nên hiệu ứng nhà kính”, Stocking nói.

 

Theo VnExpress (Telegraph)