Theo báo cáo của Hiệp hội quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) công bố ngày 2-7, trong năm thế kỷ qua, đã có hơn 860 loài động thực vật hoang dã bị tuyệt chủng. Gần 17.000 loài khác hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi Trái đất.
Dựa trên các dữ liệu công bố trong Sách Đỏ của IUCN năm 2008, bản báo cáo mới phác thảo mối liên quan giữa khủng hoảng tài chính với các lĩnh vực môi trường, đồng thời dự báo cộng đồng quốc tế sẽ thất bại trong việc đạt mục tiêu hỗ trợ đa dạng sinh học vào năm 2010 như chính phủ nhiều nước đã cam kết vào năm 2002.
“Chúng tôi không muốn lựa chọn giữa tự nhiên và kinh tế, chúng tôi chỉ muốn đặt thiên nhiên vào đúng vị trí của nó khi phải đưa ra quyết định (về kinh tế)”, ông Jean-Christophe Vie, tác giả bản báo cáo, nêu rõ.
Báo cáo cho biết 869 loài động thực vật đã bị tuyệt chủng hoặc biến mất trong tự nhiên kể từ năm 1500, trong khi 290 loài khác đang bị đe dọa nghiêm trọng và có thể tuyệt chủng.
Soldadinho-do-araripe, một trong các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: AFP) |
Ngoài ra còn có ít nhất 16.928 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm gần 1/3 số động vật lưỡng cư, hơn 1/8 số loài chim và gần 1/4 số động vật có vú.
Vào năm 2004, Sách Đỏ của IUCN cho biết có 784 loài bị tuyệt chủng kể từ năm 1500. Như vậy sau 5 năm, đã có thêm 85 loài trên Trái đất bị tuyệt chủng.
Nguyên nhân khiến các loài bị tuyệt chủng là nạn phá hủy môi trường thông qua các hoạt động canh tác, chặt phá rừng và phát triển đô thị. Biến đổi khí hậu không phải là mối đe dọa chính, tuy nhiên cũng đã gây thay đổi tác động đến môi trường sống của các loài.
Theo Jean-Christophe Vie, báo cáo của ông chưa phải là một danh sách hoàn chỉnh vì mới chỉ có 2,7% trong tổng số khoảng 1,8 triệu loài được IUCN nghiên cứu phân tích.
Theo Tường Vy – Tuổi trẻ (Reuters)