Dựa vào một bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble, các nhà khoa học tin rằng, các vụ va chạm trong vũ trụ không còn là giả thiết.
Vật thể vừa phát hiện được đặt tên P/2010 A2, cách trái đất 144 triệu km, thuộc vành đai các tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Ngày 29/1, Hubble chụp được hình ảnh P/2010 A2 đang lao đi với vận tốc khoảng 17.000 km/h (gấp 5 lần tốc độ viên đạn bắn ra khỏi nòng súng có rãnh khương tuyến).
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng P/2010 A2 là một sao chổi. Tuy nhiên, tâm của thiên thể này lại tỏa sáng ra xung quanh, khác hoàn toàn với hình ảnh thông thường của sao chổi.
Thiên thể P/2010 A2 với phần tâm tỏa sáng. Ảnh: NASA
“Đây dường như là kết quả từ một cuộc va chạm giữa hai tiểu hành tinh. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên chúng ta ghi nhận được sự va chạm trong vũ trụ”, nhà thiên văn David Jewitt, ĐH California, Mỹ cho biết
Các nhà khoa học cho rằng, cách đây 65 triệu năm, một thiên thạch lao vào trái đất đã khiến loài khủng long khổng lồ bị tuyệt diệt. Vì vậy, các nhà thiên văn rất quan tâm theo dõi các vụ va chạm trong vũ trụ để kịp thời ngăn chặn.
Hiện, NASA tập hợp được thông tin về khoảng 1.000 thiên thể có bán kính từ 1-5 km đang di chuyển quanh trái đất.
Theo Báo Đất Việt (Reuters, NASA)