Hướng dẫn bài thuốc hay từ mai động vật

Một số động vật sống ở nước như ba ba, cua biển, mực nang có một bộ phận cấu tạo đặc biệt gọi là mai dùng để bảo vệ hoặc làm cứng cáp cơ thể. Những bộ phận này từ lâu đã trở thành vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.

  • 1

    Mai ba ba:

    Tên thuốc là miết giáp, thủy ngư xác. Mai phải được chế biến mới sử dụng. Có hai cách: ngâm mai vào nước gừng rồi sao hoặc nướng vàng, sau đó tẩm giấm phơi khô. Hoặc ngâm mai vào nước tro trong một đêm, rửa sạch, tẩm rượu rồi cắt nhỏ, nấu với nước trong một ngày đêm. Chắt nước đầu. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, cô thành cao đặc được miết giáp cao.

    Mai ba ba có vị mặn, tính hàn, không độc có tác dụng bổ âm, ích khí, thanh nhiệt, nhuận táo, giảm đau, điều kinh, chữa hao gầy, đau lưng, nhức xương, lao lực quá độ, khí huyết ngưng trệ, mồ hôi trộm, tiểu tiện ra sỏi, kinh nguyệt bế, sốt rét. Mỗi ngày uống 10-20g bột hoặc 6-10g cao, chia làm hai lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

    Chữa sốt rét, thũng báng: Mai ba ba, nga truật, trần bì, thanh bì, linh lang, sa nhân, thảo quả, ô mai, bán hạ chế, mỗi thứ 20g, thường sơn 40g. Tất cả thái nhỏ, ngâm với một lít rượu và một lít giấm trong một ngày đêm. Đun cho cạn hết dung dịch, phơi khô, sao giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi ngày, người lớn uống 30-40 viên một lần với nước ấm trước khi lên cơn khoảng 2 giờ. Trẻ em 5-10 tuổi uống 10-20 viên; 11 tuổi trở lên uống 20-30 viên.

    Chữa xơ gan: Mai ba ba 30g, vảy tê tê 5g, cắt nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

    Chữa hen suyễn, thở gấp ở trẻ nhỏ: Mai ba ba đốt tồn tính, tán nhỏ, rây bột mịn, lá nhót tươi 50g, rửa sạch, ép lấy nước đặc, mỗi lần uống với 4g bột mai với nước ép lá nhót.

    Chữa mụn rò, chảy mủ, lòi dom: Mai ba ba, mai rùa, phèn chua, lượng các vị bằng nhau, đốt tồn tính, tán nhỏ, rắc vào chỗ đau, ngày vài lần.

  • 2

    Mai mực nang:

    Tên thuốc là ô tặc cốt hay hải phiêu tiêu, có vị mặn chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu, giảm đau, làm se, chống loét, chữa được nhiều bệnh như sau:

    Chữa đau loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: Mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống hai lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ. Hoặc mai mực 60g, mẫu lệ nung 30g, gạo tẻ sao vàng 30g, hoàng bá 20g, màng mề gà sao vàng 20g, cam thảo 20g, hàn the phi 10g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống hai lần, người lớn mỗi lần 8g, trẻ em 5-10 tuổi mỗi lần 2g; trên 10 tuổi, mỗi lần 4g.

    Chữa đại tiện ra máu: Mai mực nướng vàng, tán bột, mỗi lần uống 4-8g với nước sắc cây mộc tặc. Dùng riêng hoặc uống phối hợp với các vị thuốc khác.

    Chữa cam tẩu mã, loét mủ, viêm tai chảy nước: Mai mực, hoàng liên, thanh đại, hồng đơn, tế tân, ngũ bội tử, nhân trung bạch, mỗi thứ 12g, phèn phi 8g, mai hoa 4g. Từng thứ sao riêng, trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại, rồi tán nhỏ mịn, trộn đều. Khi dùng rắc bột vào vết thương, vết loét.

    Chữa chảy máu cam: Mai mực và hoa hòe, lượng bằng nhau, nửa để sống, nửa sao. Tất cả tán bột, trộn đều. Khi dùng, thổi bột vào mũi.

    Chữa bỏng: Mai mực đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày 2 lần (chỉ dùng cho loại bỏng nhẹ).

  • 3

    Mai cua biển:

    Khi dùng lấy một cái mai rửa sạch đập vỡ vụn, sao tồn tính, tán bột uống với rượu hâm nóng làm 2-3 lần trong ngày, chữa chứng đau bụng ở phụ nữ sau đẻ.

    Để chữa sưng tấy, lấy mai rùa biển 5 cái, phối hợp với xuyên sơn giáp 10g, gai bồ kết 7 cái. Tất cả sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, uống trong ngày với rượu hâm nóng.