1. Mụn nhọt khác rôm sảy
Đây là điều đầu tiên mẹ cần biết. Rôm sảy xuất hiện trên người trẻ là do cơ thể phản ứng với nhiệt độ. Lúc này, mẹ chỉ cần vệ sinh da trẻ, cho trẻ nằm ở những nơi thoáng mát để không làm nhiễm trùng da.
Nhưng khác với rôm sảy, mụn nhọt là do vi khuẩn gây ra. Từ những nốt rôm sảy không được vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn sẽ gây bệnh tạo thành mụn, nhọt. Hiểu một cách đơn giản, trên da của người luôn có vi khuẩn và khi da bị trầy xước thì những vi khuẩn này có thể xâm nhập và tạo nên mụn nhọt. Những bé hay ra nhiều mồ hôi có thể bị ngứa ngáy nên gãi làm trầy xước da dẫn đến mụn nhọt. Một vài nguyên nhân khác làm bé hay bị mụn nhọt là thiếu máu, thiếu sắt, hệ miễn dịch kém, bệnh đái tháo đường type 1…
Ngoài ra, nhọt trên đầu thường do tụ cầu khuẩn (hay gặp nhất là tụ cầu vàng), có thể xuất hiện một hoặc nhiều cái, mọc riêng lẻ hoặc từng chùm phụ thuộc vi khuẩn gây bệnh. Tùy theo tổn thương, mụn, nhọt sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau: To bằng hạt chanh, hạt bắp, trái chanh hoặc có thể bằng… trái táo xanh (áp-xe nguyên một khối cơ).
Triệu chứng
Mụn nhọt thường xuất hiện với một chấm nhỏ đỏ và chứa đầy mủ rồi lớn dần lên. Các triệu chứng chính gồm:
– Đau và mềm nhũn xung quanh mụn nhọt.
– Đầu trắng hoặc vàng của khối mủ ngay trung tâm của nhọt.
Trong hầu hết các trường hợp, nhọt sẽ lành lại trong khoảng hai tuần.
|
2. Mụn nhọt có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết
Khi cơ thể trẻ đề kháng tốt, những vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn, nhọt. Nhưng nếu sức đề kháng không tốt, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C. Lúc này, nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc bùng phát, trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn.
Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi…
>> Xem thêm:Những loại lá tắm “thổi bay” rôm sảy cho da bé mát lịm mùa hè
3. Nên làm gì khi… thấy nhọt?
Câu trả lời là: Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay! Một sai lầm phổ biến ở các bà mẹ nuôi con nhỏ là luôn xem chuyện nổi mụn, nhọt của con chỉ là… chuyện nhỏ, do con ăn nhiều đồ “nóng”. Vì thế, khi thấy con nổi mụn nhọt, mẹ có xu hướng để trẻ ở nhà chăm sóc, tìm đủ các loại lá để tắm cho con, sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá thuốc, tắm bằng nước khổ qua, cố cho con ăn các món “mát” để hết nhiệt trong người.
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện có nhọt.
Trong khi đó, như đã nói, mụn nhọt là do vi khuẩn nên trẻ cần được đưa đến bác sĩ và điều trị sớm. Nếu bạn đưa trẻ đi khám sớm, việc điều trị rất đơn giản. Trong khi đó, đưa bé đi khám càng trễ, việc điều trị mụn nhọt cho trẻ càng khó khăn hơn.
Khi thấy trẻ mọc mụn nhọt, dù sốt hay không sốt, cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh biến chứng. Để phòng ngừa, mẹ nên tắm rửa, vệ sinh da cho con mỗi ngày, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi cho trẻ.
4. Có nên tắm lá, đắp lá lên nhọt cho bé?
Câu trả lời là: Không! Việc sử dụng những loại lá theo hình thức truyền miệng để tắm cho trẻ mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt có thể làm trẻ bị viêm da và khiến tình trạng của mụn nhọt tệ hơn. Bởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn.
Khi trẻ đang bị trầy xước, nếu dùng loại lá để tắm càng làm cho ngứa, mẩn đỏ tăng lên. Đó còn chưa kể đến, nhiều loại lá cây lại mọc ở bờ bụi, nếu không rửa kỹ, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn da rất cao.
Cũng có một số loại lá, quả theo đông y thực sự có tác dụng, có thể tắm cho trẻ như khổ qua (mướp đắng), lá chè xanh, chanh…, tuy nhiên còn tùy cơ địa của từng trẻ, không phải trẻ nào cũng có thể tắm được.
5. Chăm sóc trẻ bị mụn nhọt
Mẹ nên:
– Đưa trẻ đi khám sớm ở cơ sở y tế. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ uống thuốc hay bỏ thuốc, bớt liều. Không sử dụng các biện pháp dân gian như tắm lá, đắp lá thuốc có thể khiến mụn nhọt nhiễm trùng nặng hơn.
– Lau người trẻ bằng nước ấm.
– Cho trẻ ở nơi sạch sẽ, thoáng mát.
– Mặc quần áo chất liệu cotton, rộng rãi, tạo cảm giác dễ chịu.
– Cắt móng tay sát cho bé và cho mẹ (hoặc người chăm sóc bé).
– Bổ sung cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý khi bị bệnh với các thức ăn dễ tiêu hóa, có khả năng nâng cao sức đề kháng cho trẻ để việc chữa trị mụn nhọt cho trẻ em đạt hiệu quả cao và phòng ngừa các biến chứng nguy hại đến sức khỏe.
– Cho trẻ uống nhiều nước lọc.
Cho trẻ uống nhiều nước lọc.
6. Mụn, nhọt thường kéo dài bao lâu?
Ở trẻ bình thường, có sức đề kháng tốt, được mẹ đưa đến bác sĩ để khám sớm, chăm sóc đúng cách, các nốt mụn nhọt sẽ khỏi trong vòng 8-10 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp sức đề kháng ở trẻ yếu, mụn nhọt có thể kéo dài thời gian lâu hơn, thậm chí mọc liên tiếp hết nốt này đến nốt khác.
7. Cách “tránh nhọt” cho con
Mẹ cần:
– Giữ vệ sinh môi trường sống của bé thật tốt: Phòng ngủ thoáng mát, nhà cửa luôn được lau chùi thường xuyên, mở rộng cửa sổ đón khi trời. Chăn, ga, nệm, gối… cần được giặt sạch, phơi nắng thường xuyên.
– Mẹ và những người chăm sóc bé cần giữ đôi tay luôn sạch, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ôm ấp bé.
– Tắm gội cho bé mỗi ngày bằng những loại sữa tắm, dầu gội dành riêng cho trẻ em, công thức an toàn.
– Cho bé mặc quần áo có chất liệu mềm mịn, thấm hút tốt. Thay quần áo cho bé mỗi khi thấy ướt mồ hôi, ẩm, dính vết bẩn do thức ăn…
– Không cạy, chà sát… các vết rôm sảy trên da bé.
– Cho bé sinh hoạt ngoài trời một số khoảng thời gian trong ngày, khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu.
– Cho con bú mẹ càng lâu càng tốt (lý tưởng nhất là duy trì sữa mẹ cho bé từ lúc mới sinh đến khi 2 tuổi). Bổ sung cho con những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.
8. Xử lý khi bé bị nhọt liên tiếp
Một số trường hợp đặc biệt, trẻ mọc nhọt liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác. Lúc này, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám kỹ, tìm nguyên nhân. Đối với những nhọt mọc ở môi trên, cánh mũi lại càng phải thận trọng, tuyệt đối không được nặn mà cần đi khám sớm, điều trị tích cực để phòng biến chứng.
9. Tuyệt đối không nên…
– Không nên tùy tiện cho trẻ uống kháng sinh khi trẻ nổi mụn nhọt. Việc uống kháng sinh hay không, liều lượng thế nào cần theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã khám trực tiếp cho bé.
– Không nên kỳ cọ quá mạnh khi tắm rửa, gội đầu, làm các mụn nhọt vỡ ra. Không tự ý nặn khi mụn nhọt còn “non”. Việc nặn mụn nhọt nên được thực hiện trong môi trường vô trùng ở bệnh viện. (Nặn non những đinh nhọt ở mặt, xung quanh miệng sẽ có thể gây biến chứng nguy hiểm cho bé).
– Không dùng kim chích nhọt, không đắp cao, đắp lá thuốc trên mụn nhọt đã vỡ.
10. Cẩn thận nhọt “đinh râu”
Mụn nhọt vùng hàm – mặt hay còn gọi là đinh râu, là những viêm tấy, nhiễm trùng mưng mủ nhỏ ở vùng hàm – mặt, nhất là vùng hai gò má. Tuy là những mụn nhọt nhỏ nhưng hết sức nguy hiểm do biến chứng khôn lường nếu không được điều trị sớm và đúng.
Ngoài biến chứng áp xe não, còn có biến chứng rất đáng sợ nữa là những mụn nhọt vùng hàm – mặt có đường lây nhiễm vào dòng máu rất gần qua “xoang hang” là một hồ máu rộng lớn nên sẽ nhanh chóng gây nhiễm trùng huyết ồ ạt, viêm não – màng não cấp tính, sẽ làm việc điều trị trở tay không kịp.
Vì vậy, nếu như thấy trẻ mọc một mụn nhọt vùng hàm – mặt, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và chữa trị ngay, không tự ý điều trị tại nhà, không nặn hoặc chích các nhọt “đinh râu” này.
11. Và… mụn lẹo ở mắt trẻ em
Khi bạn phát hiện thấy mi mắt của bé bỗng sưng nề giống như mụn nhọt, rất có thể bé đã bị lẹo đấy! Việc đầu tiên cần làm là tuyệt đối không nặn mụn lẹo vì bé sẽ rất đau và có thể gây nhiều ảnh hưởng.
Thủ phạm gây mụn lẹo thường là do vi khuẩn tụ cầu vàng. Vi khuẩn này có nhiều ở mũi bé nên khi bé dụi mũi, sau đó dụi vào mắt thì cũng có thể đem vi khuẩn lên trên mi mắt. Trong trường hợp này, nên đưa bé đi khám ở bệnh viện mắt, sau đó chăm sóc tại nhà bằng cách lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt bé. Làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút. Việc này sẽ có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn.
Tuy nhiên, nhớ là không được dùng 1 chiếc khăn đắp từ mắt này sang mắt bên kia vì có thể khiến lẹo lây sang mắt còn lại. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị hỗ trợ như vậy tại nhà cộng thêm một số thuốc do bác sĩ chỉ định là mắt bé sẽ lành.
Để phòng ngừa cho bé khỏi bị lẹo thì vấn đề vệ sinh cho bé là ưu tiên số một. Cần rửa sạch tay cho bé cũng như tay người chăm sóc bé. Mỗi ngày, có thể dùng que bông gòn tẩm một ít nước ấm để vệ sinh chân lông mi của bé 1 lần.