Rách đáy chậu là hiện tượng dễ xảy ra đối với mẹ sinh thường lần đầu. Vết rách có thể là vết xước nhẹ hoặc vết rách sâu. Thông thường khi đầu của em bé nhô ra khỏi đường sinh là lúc dễ có nguy cơ rách đáy chậu nhất. Đặc biệt nếu đầu em bé to, nó sẽ càng gây áp lực lên âm đạo và càng dễ rách đáy chậu sâu.
Vết rách đáy chậu thường sẽ lành trong vài tuần. Tuy nhiên nếu bị rách nhiều, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn. Trong quá trình lành vết thương, nếu sản phụ phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường, đau kéo dài hoặc chảy máu đều nên đến bệnh viện để khám và điều trị.
Rách đáy chậu được chia thành 3 cấp độ, theo mức độ nghiêm trọng của vết rách.
1. Rách đáy chậu cấp độ 1
– Vết rách chỉ liên quan đến vùng da xung quanh cửa âm đạo hoặc vùng đáy chậu.
– Sản phụ có cảm giác nhói nhẹ khi đi tiểu tiện.
– Vết rách sẽ lành trong khoảng 1 tuần và không cần khâu.
– Để giảm cảm giác đau khi tiểu tiện, có thể dùng nước ấm xối vào vùng âm đạo.
2. Rách đáy chậu cấp độ 2
– Vết rách xuất hiện ở các cơ đáy chậu, nằm giữa âm đạo và hậu môn. Các cơ đáy chậu có nhiệm vụ hỗ trợ tử cung và trực tràng.
– Các vết rách này thường được khâu và sẽ mất 2-3 tuần sau sinh để lành hoàn toàn.
– Để giảm triệu chứng đau, có thể ngồi trên chiếc gối tròn, dùng nước ấm xối vào vùng âm đạo khi đại tiện và tiểu tiện. Khi đi đại tiện, nên rửa nước nhẹ nhàng và lau sạch nhẹ nhàng. Tránh dùng lực mạnh gây đau tại vùng vết khâu.
– Nếu quá đau nhức, dùng đá lạnh thoa nhẹ vào vùng âm đạo. Hoặc dùng khăn sạch thấm một chút nước cây phỉ và thoa vào đó. Bác sỹ có thể kê thuốc giảm đau trong trường hợp đau kéo dài và không chịu đựng được.
3. Rách đáy chậu cấp độ 3
– Rách ở cơ đáy chậu và cơ nhạy cảm quanh hậu môn. Vết rách này khá nghiêm trọng, ngoài khâu còn phải nằm tại bệnh viện theo dõi một thời gian. Thông thường mất vài tháng mới lành.
– Để giảm triệu chứng đau, nên ngồi lên đệm êm, gối tròn. Khi đi tiểu tiện cũng dùng nước ấm xối vào vùng âm đạo hoặc chườm túi nước đá lên.
4. Rách đáy chậu cấp độ 4
– Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất, liên quan đến vết rách ở các cơ tầng sinh môn, cơ vòng hậu môn và màng tế bào của trực tràng. Sau khi lành vết thương, vẫn có thể gặp rắc rối khi quan hệ tình dục và khi đại tiểu tiện.
Nguy cơ bị rách đáy chậu cấp độ 3 và 4
– Sinh con lần đầu và sinh thường
– Đầu em bé quá to
– Sinh nở ở tư thế nằm ngửa
– Rặn đẻ trong thời gian quá dài
– Từng bị rạch tầng sinh môn trước đó
– Ca sinh nở cần dùng đến các dụng cụ hỗ trợ sinh
Chăm sóc vết rách đáy chậu
– Luôn nhớ rửa sạch vùng kín bằng nước ấm sau khi tiểu tiện.
– Sau khi đại tiện, lau sạch bằng giấy vệ sinh hoặc khăn ấm. Không được chà xát mạnh vào âm đạo.
– Thay băng vệ sinh 4-6 tiếng một lần.
– Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh chạm vào vùng vết thương.
– Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để hạn chế tình trạng táo bón.
– Chườm đá lạnh vào vùng âm đạo hoặc dùng khăn thấm nước cây phỉ.
– Ngồi trong bồn nước ấm 2-3 lần một ngày để giảm triệu chứng đau.
– Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu.
– Có thể tập các bài tập Kegel để giảm đau và rút ngắn thời gian hồi phục.
Việt Hà