Các bước sơ cứu ban đầu
Bỏng là một dạng thương tích trên da do sức nóng gây ra, xuất phát từ nước sôi, nồi/chảo nóng, lò hoặc các loại máy có sức nóng lớn,… Trong các loại bỏng, bỏng nước sôi thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhất. Nếu trẻ bị bỏng, trước tiên phải kéo trẻ ra khỏi khu vực chịu bỏng để được an toàn. Nếu trẻ bị bỏng mà đang mặc quần áo, hãy cởi bỏ quần áo của trẻ ra nhanh nhất có thể, để vết bỏng không trở nên trầm trọng hơn. Tiếp đó là cởi bỏ đồng hồ và trang sức ở khu vực bị bỏng, nếu có. Với các vết bỏng rộp da, hãy nhắc trẻ hạn chế chà xát da vào các vật cứng và nguồn nhiệt.
Chữa trị kịp thời
Trước tiên, hãy đưa trẻ đến vòi nước sạch và cho nước mát chảy qua vùng da bị bỏng khoảng 20 phút. Việc làm này giúp giảm nhiệt ở vùng da bị bỏng, giảm tổn thương da và giúp trẻ cảm thấy bớt đau rát hơn. Có thể áp dụng cách làm này trong 3 giờ đồng hồ sau khi trẻ bị bỏng.
Tiếp theo, hãy làm mát vết bỏng bằng khăn mát, nhưng chú ý không làm mát toàn bộ cơ thể để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Nếu vết bỏng lớn, bạn cũng chỉ nên làm mát vết bỏng trong vòng 20 phút. Nếu để lâu hơn, trẻ rất dễ bị hạ nhiệt toàn bộ cơ thể và điều này không tốt cho sức khỏe.
Bước cuối của tiến trình sơ cứu là dùng khăn sạch, ướt bao bọc vết bỏng để trẻ cảm thấy dễ chịu ở vùng da bị bỏng hơn.
Chú ý khi chữa bỏng cho trẻ nhỏ
Chưa chắc kiến thức chữa bỏng cho trẻ nhỏ của bạn đã đúng và đầy đủ. Vậy, hãy chú ý một vài điểm sau:
– Không chườm đá, nước đá, kem bôi da, kem dưỡng ẩm, phấn rôm vào vết bỏng của trẻ. Đặc biệt, kem đánh răng, bơ, dầu ăn hay bột mỳ có thể làm cho vết bỏng trở nên tồi tệ hơn.
– Nếu vết bỏng lớn hơn bàn tay của em bé và ở các vị trí mặt, cổ, tay và bộ phận sinh dục thì cần lập tức sơ cứu đồng thời gọi cấp cứu
– Trong trường hợp khác, mẹ cũng cần đưa con đi gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay nếu vết bỏng chiếm khoảng 20% cơ thể của trẻ, trẻ bị đau rát dai dẳng và hoang mang.
Nguyễn Mai – Nguồn: RC