Pha nhật thực hình khuyên với độ che phủ 94,39% sẽ được quan sát trong một dải hẹp có bề rộng từ 240 đến 300km kéo dài từ bờ biển phía đông Trung Quốc đến phía Nam Nhật Bản, qua Thái Bình Dương và kết thúc ở vùng phía Tây của nước Mỹ. Điểm quan sát được nhật thực cực đại nằm trên Thái Bình Dương.
>>>Trung-Nhật-Mỹ sẽ chứng kiến nhật thực hình khuyên
Dải nhật thực một phần được quan sát trong một vùng rộng lớn hơn bao gồm Đông Á, Đông Nam Á,Thái Bình Dương và Tây Mỹ.
Theo giờ Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu lúc 03:56:07 (giờ:phút:giây), toàn phần bắt đầu lúc 05:06:17, cực đại lúc 06:53:54, nhật thực toàn phần kết thúc lúc 08:39:11, nhật thực một phần kết thúc lúc 09:49:21
Ở Việt Nam, chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần vào sáng sớm lúc mặt trời mọc. Hầu hết các địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam quan sát được cực đại của nhật thực một phần vào thời điểm Mặt Trời bắt đầu mọc ở đường chân trời phía đông đứng nhìn tại địa điểm đó. Tuy nhiên, cần lưu ý là do nhiều nguyên nhân như hạn chế tầm nhìn, che khuất đường chân trời, thời tiết không thuận lợi… nên chúng ta rất khó quan sát được nhật thực lúc Mặt Trời mọc theo như tính toán mà chỉ quan sát được khi Mặt Trời đã lên cao một chút.
Việt Nam chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần vào sáng sớm lúc mặt trời mọc.
Một điều thú vị là do lần này nhật thực xảy ra lúc rạng đông nên chúng ta sẽ thấy Mặt Trời màu đỏ lửa và khá dịu mắt do ánh sáng phần lớn bị hấp thụ bởi khí quyển. Ngoài ra, do ảo giác đánh lừa thị giác mà chúng ta cũng sẽ thấy Mặt Trời to hơn so với khi nó ở trên đỉnh đầu. Bởi vậy, ngay trong thời khắc khi Mặt Trời mọc và ánh sáng còn dịu, chúng ta có thể chiễm ngưỡng nhật thực bằng mắt thường.
Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng ta phải sử dụng kính lọc chuyên dụng, hoặc các phương pháp quan sát truyền thống (như sử dụng kính lọc, kính hàn, chiếu hình ảnh của Mặt Trời thông qua kính thiên văn hay ống nhòm lên tờ giấy trắng…) để chiêm ngưỡng nhật thực một phần, vì lúc này cường độ ánh sáng của Mặt Trời cũng đã khá mạnh có thể làm tổn tương đến võng mạc.
Do nhật thực xảy ra vào sáng sớm nên chúng ta khó sử dụng phương pháp phản chiếu qua gương đặt trong chậu nước pha mực. Trong trường hợp này, muốn quan sát chúng ta phải sử dụng hai chiếc gương (chiếc gương thứ nhất đặt nghiêng dưới chậu nước pha mực, chiếc thứ hai tác dụng có định hướng hình ảnh của Mặt trời qua gương thứ nhất để tới mắt).
Cũng vì nhật thực lần này xảy ra lúc sáng sớm nên chúng ta phải chọn nơi thoáng, bao quát được chân trời phía Đông. Ở thành phố, chúng ta có thể chọn vị trí quan sát trên những nhà cao tầng.
Trên lãnh thổ Việt Nam vùng đất liền, Móng Cái là địa điểm quan sát được tỷ lệ che khuất lớn nhất 86,6% vào lúc 05:49:03, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:14:20.
Những hải đảo ở phía Đông sẽ quan sát được tỉ lệ che khuất lớn hơn.
Nhật thực hình khuyên xảy ra ngày 21/5 là lần nhật thực đầu tiên của năm 2012, lần nhật thực thứ hai là nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 13/11. Nhật thực lần này chỉ được quan sát ở phía nam Thái Bình Dương. Những người dân ở phía bắc nước Úc có cơ hội được quan sát nhật thực toàn phần. Dải một phần sẽ bao phủ phía nam Thái Bình Dương và châu Nam Cực.
Một số địa điểm quan sát nhật thực hình khuyên ở nước ta – Hà Nội quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 79,5% lúc 05:15:48, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:13:27. – Cao Bằng quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 85,4% lúc 05:12:42, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:15:35. – Đà Nẵng quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 67,3% lúc 05:15:06, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:07:35. – Huế quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 65,9% lúc 05:17:54, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:08:09. – TP. Hồ Chí Minh quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 32,5% lúc 05:30:51, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:01:11. – Nha Trang quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 51,5% lúc 05:17:51, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:02:35. |
Theo Nguyễn Đức Phường (Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam)