Có hai loại táo bón: cơ năng và thực thể. Loại cơ năng thường do chức năng của hệ tiêu hoá bị rối loạn, nhu động ruột suy giảm, chế độ ăn thiếu chất xơ, nghề nghiệp phải ngồi nhiều, ít vận động thể lực… Đối với táo bón cơ năng, y học cổ truyền có rất nhiều phương thức giải quyết, trong đó có một biện pháp hết sức đơn giản là tự xoa bóp và day ấn một số huyệt vị châm cứu. Quy trình tự xoa bóp phòng, chống táo bón để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
-
1
Thở và xoa bụng
Nằm ngửa, tĩnh tâm, duỗi mềm các cơ, từ từ thót bụng để thở ra, đẩy nhẹ nhàng không khí qua mũi hoặc qua miệng. Khi bụng đã thót hết mức, ngừng thở trong giây lát rồi sau đó từ từ phình bụng hít vào. Thở luân phiên như vậy trong 3 – 5 phút.
Tiếp đó dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải chừng 50 vòng. Hai động tác này có tác dụng xoa bóp dạ dày và ruột gián tiếp qua da, kích thích và điều hoà nhu động ruột, giúp cho quá trình bài tiết chất thải trong ruột được dễ dàng.
Hơn nữa, theo quan niệm của y học cổ truyền, cách thở như trên sẽ giúp cho tạng phế thải trừ được nhiều trọc khí, hấp thu được nhiều thanh khí để kết hợp với tinh khí của đồ ăn thức uống do tì vị vận hoá mà thành, tạo nên tông khí giúp phục hồi và duy trì công năng sinh lí bình thường của các tạng phủ trong nhân thể.
-
2
Day bấm huyệt Thiên khu
Dùng hai ngón tay cái đặt lên hai huyệt, các ngón tay còn lại ôm lấy mạng sườn, tiến hành day bấm huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Thiên khu: từ rốn đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên có một huyệt. Huyệt vị này ngang hàng với rốn, được xem như là chốt điều hành chức năng của tràng vị (dạ dày, ruột) nên có tên là Thiên khu.
Day bấm huyệt Thiên khu có công dụng điều hoà và nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hoá, nhuận tràng thông tiện, điều hoà kinh nguyệt và chống ứ trệ, thường được dùng để chữa các chứng bệnh đau bụng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn, táo bón, ỉa chảy và kiết lị.
-
3
Day bấm huyệt Khí hải
Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day bấm huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Khí hải : ở dưới rốn 1,5 tấc. Theo cổ nhân, trong trị liệu táo bón, nhất là ở những người có tuổi, nên phối hợp kích thích huyệt Thiên khu với huyệt Khí hải: Khí hải là bể sinh ra khí, tác động hợp lí huyệt vị này sẽ làm ấm hạ nguyên (phần dưới cơ thể), làm mạnh thận dương, tựa như cho thêm củi đốt vào dưới nồi. Thiên khu là huyệt Mộ của đường kinh Đại trường, có công năng hoà vị thông trệ, giúp cho ruột già truyền tống chất cặn bã ra ngoài.
-
4
Day bấm huyệt Túc tam lí
Dùng ngón tay hoặc ngón tay giữa day bấm đồng thời cả hai huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Túc tam lí: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối, ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khấc ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.
Theo y học cổ truyền, Túc tam lí là huyệt, có công năng điều hoà trung khí, hoà trường tiêu trệ, sơ phong hoá thấp, thông điều kinh lạc khí huyết, là một trong những huyệt thường dùng để chữa các bệnh thuộc hệ thống tiêu hoá. Huyệt Túc tam lí có tác dụng làm tăng nhu động ruột, cải thiện khả năng co bóp của dạ dày và ruột.
-
5
Xát hố chậu trái
Dùng cạnh trong bàn tay trái xát hố chậu trái từ trên xuống dưới và ngược lại khoảng 30 lần, cũng có thể dùng thêm bàn tay phải hỗ trợ cho bàn tay trái (ảnh 5). Thao tác này có tác dụng kích thích trực tiếp lên đoạn cuối đại tràng và trực tràng để hỗ trợ cho quá trình bài tiết chất thải.
Khi muốn đi ngoài thì dùng lực của ngón tay cái hoặc ngón tay giữa ấn huyệt Thiên khu bên trái sao cho đạt được cảm giác đau tức, tiếp tục ấn sẽ có cảm giác muốn đi ngoài, có thể nín thở để làm tăng thêm áp lực của ổ bụng thì có thể đi ngoài được, một lần chưa hiệu quả thì có thể làm đi làm lại vài lần.
Quy trình trên cần được thực hiện kiên trì, đều đặn mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Nếu kết hợp với rèn luyện thể lực và điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lí thì hiệu quả phòng chống táo bón chắc chắn và bền vững.