Trước sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống và mối đe dọa của biến đổi khí hậu hiện nay, thế giới đang tìm những lối đi mới, tiến đến một Nền kinh tế xanh, một Nền kinh tế “năng lượng xanh“.
Nền Kinh tế xanh
Nền “kinh tế xanh”, hay còn gọi là nền “kinh tế sạch“, là nền kinh tế mà chính sách phát triển dựa vào các tiêu chí sau: định hướng là thị trường, nền tảng là các nền kinh tế truyền thống, mục tiêu là sự hòa hợp của kinh tế và môi trường. Động lực mới của nền “kinh tế xanh” đó là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hiện tại, theo nhận định của các chuyên gia, chiến lược “kinh tế xanh” đã trở thành bước ngoặt phát triển cho tiến trình khôi phục của kinh tế toàn cầu và cũng là động lực mới cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững. Liên Hợp Quốc còn nhận định, chính sách nền kinh tế sạch còn là con đường phát triển cần thiết của kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Năng lượng gió. (Ảnh: LD) |
Nước Mỹ là nước đi đầu trong các nước Âu – Mỹ thực hiện chính sách “kinh tế xanh”, tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Sau khi lên nắm quyền Tổng thống của nước Mỹ, ông Obama đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế như phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng.
Tổng thống Obama cũng hy vọng thông qua chính sách về năng lượng mới để chấn hưng nền kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ngoài ra, Mỹ cũng tung ra các chính sách phát triển thể chế “kinh tế xanh”. Trong đó bao gồm chính sách trong vòng 10 năm, Mỹ đầu tư 150 tỷ USD vào các chính sách nghiên cứu năng lượng thay thế. Về lĩnh dầu mỏ, Mỹ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Trung Đông và Venezuela. Kế hoạch là đến năm 2025, 25% lượng phát điện của Mỹ sẽ có khả năng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực các công nghệ năng lượng mới, Mỹ sẽ đầu tư rất nhiều trong chiến dịch năng lượng xanh, bao gồm năng lượng bằng sức gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân,…
Các chuyên gia phân tích cho rằng, chính sách “kinh tế xanh” của Mỹ hiện tại có phần sâu sắc hơn, chi tiết hơn so với kế hoạch này của 10 năm trước. Chính sách này có khả năng duy trì nền kinh tế Mỹ ở vị trí hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế năng lượng xanh
Nền kinh tế “năng lượng xanh” là nền kinh tế sử dụng 100% năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, giảm tiêu thụ xăng, dầu, giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính. Nhiều nhà khoa học thế giới dự báo năng lượng sinh học đóng vai trò rất quan trọng trong ngành năng lượng tương lai, nhưng tùy thuộc vào khả năng của các khu vực và quốc gia về cung cấp nguồn năng lượng này một cách bền vững và không ảnh hưởng đến các cây trồng lương thực, để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.
Năng lượng mặt trời. (Ảnh: SGGP) |
CHLB Đức là nước xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh” đầu tiên trên thế giới. Đức đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo. Họ hướng tới “mục tiêu xanh” vào năm 2050.
Bộ Môi trường Liên bang Đức đã công bố Bản Lộ trình mới phác thảo tiến trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.
Năm 2008, năng lượng tái tạo chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ năng lượng gốc của Đức nhưng con số dự đoán sẽ tăng lên 33% vào năm 2020 khi nước này nhanh chóng vượt lên các quốc gia Châu Âu khác trong phát triển năng lượng tái tạo.
Bản lộ trình nêu nhiều biện pháp, kế hoạch nâng cao hiệu suất năng lượng, trong đó có việc xây dựng mạng lưới “điện thông minh”, giảm tiêu thụ điện năng khoảng 28% trong vòng 20 năm tới từ 13.842 PJ (peta-joules) năm 2007 xuống 12.000 PJ vào năm 2020 và 10.000 PJ vào năm 203. Thực hiện kế hoạch giảm tiêu thụ điện năng, Đức sẽ giảm chi phí hàng tỷ USD chi trả cho nhập khẩu năng lượng.
Cũng theo tiến độ này, tới năm 2020 ở Đức sẽ có 30% năng lượng điện tiêu thụ có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Trong đó năng lượng sức gió đóng góp nhiều nhất, tới 15%; năng lượng sinh học 8%; thủy năng 4%.
Ước tính đến năm 2030 Đức có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ lấy từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo trong 20 năm nữa, một “mạng lưới thông minh” kết nối với toàn bộ mạng lưới điện châu Âu sẽ được thiết lập. Bản lộ trình của Đức đã lên kế hoạch cho biết đến năm 2020 xe hơi điện sẽ sử dụng pin sạc bằng năng lượng tái tạo, làm giảm nhu cầu về xăng cầu và làm giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính.
Ở CHLB Đức có nhiều tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo để thực hiện lộ trình “năng lượng xanh”. Riêng tài nguyên gió ở Đức được khai thác tốt nhất. Dọc bờ biển phía Bắc là các bãi tuốc-bin xa bờ khổng lồ trên biển Bắc có khả năng sản xuất hơn 10.000 MW điện. Bên cạnh năng lượng tái tạo là năng lượng sinh học cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng quốc gia, nhưng nguồn năng lượng sinh học phụ thuộc vào sự phát triển những loại cây trồng không cạnh tranh với các loại cây lương thực khác.
Bên cạnh năng lượng sinh học là sự phát triển với tốc độ nhanh của năng lượng sinh khối. Năng lượng sinh khối ở Đức hiện đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, và lần đầu tiên vượt qua thủy năng trong việc cung cấp nguồn điện năng. Năm 2008, năng lượng sinh khối cung cấp khoảng 3,7% lượng tiêu thụ điện ở Đức, tăng so với 3,1% năm 2007, trong khi đóng góp của năng lượng gió năm 2008 chỉ đạt 6,5%, tăng khoảng 0,1% so với 6,4% của năm 2007. Đóng góp của năng lượng sinh khối dự đoán sẽ tăng nhanh chóng nhờ những cải tiến và các công nghệ mới.
Với rất nhiều các dự án nghiên cứu đang được khởi động, nước Đức đang được kỳ vọng có nhiều bước đột phá hơn nữa nhằm trở thành nền kinh tế năng lượng xanh đầu tiên của thế giới.
Theo H.H. – Vietnamnet (Tổng hợp từ REW/ThienNhien.Net/