Cùng ngược trở lại 45 năm trước đây và theo chân các nhà khoa học vũ trụ chụp bức ảnh đầu tiên về Trái đất. Hình ảnh giúp những cư dân Trái đất hiểu rằng, chúng ta đang ở trên hành tinh bé nhỏ này và chúng ta chỉ là một phần của hệ mặt trời rộng lớn trong ngân hà khổng lồ và trong vũ trụ bao la.
Bức hình về Trái đất đầu tiên được chụp bởi một tàu vũ trụ đang di chuyển quanh quỹ đạo Mặt trăng. Bức hình được truyền tải về Trái đất bởi tàu con thoi Lunar Orbiter I của Hoa Kỳ được chụp vào ngày 23/8/1966.
Thực ra, những bức hình chụp Trái đất từ không gian đã được chụp bằng tên lửa trước đó vào những năm 1940, và các vệ tinh trong thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, những bức hình đó chỉ chụp được vài phần Trái đất chứ không phải một bức hình toàn hành tinh.
Năm 1966 là giai đoạn Mỹ chuẩn bị đưa con người đầu tiên lên Mặt trăng. Trước hết, NASA cần tìm được địa điểm an toàn để hạ cánh. Vì thế, từ năm 1966, 1967, chương trình tàu con thoi Lunar Orbiter (Vệ tinh mặt trăng) đã phóng các tàu vũ trụ không người lái lên quỹ đạo mặt trăng để lập bản đồ Mặt trăng.
“Ý tưởng cơ bản lúc ấy là cần có những bức hình về bề mặt mặt trăng có độ phân giải cao để đảm bảo chắc chắc có địa điểm có thể hạ cánh.” Dave Williams, một nhà khoa học tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA cho biết.
Nghĩa là NASA cần lập bản đồ mặt trăng một cách nhanh chóng. Và để làm được điều đó, họ tận dụng công nghệ đại trà đương thời. Do đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ đặt hàng hãng Boeing và hãng máy ảnh Eastman Kodak phát triển một tàu vũ trụ có tích hợp hệ thống camera.
Tàu Lunar Orbiter 1 hay là “cỗ máy chụp hình bay”
Tàu con thoi Lunar Orbiter, thực chất là “một cỗ máy chụp hình bay khổng lồ”. (Ảnh: NASA)
Phi thuyền đầu tiên có tên Lunar Orbiter 1 khi đó đã rời Trái đất vào ngày 10/8 năm 1966, 92 giờ sau đó nó đã đi vào quỹ đạo của mặt trăng.
Theo như ông Friedlander, chuyên gia đa phương tiện NASA nhận định, “nó giống như là một phòng thí nghiệm nhiếp ảnh bay. Chỉ riêng hệ thống chụp hình đã chiếm 1/3 diện tích của tàu vũ trụ, và những thứ còn lại chỉ là năng lượng và hệ thống lái”.
Máy camera của tàu Lunar Orbiter bao gồm hệ ống kính đôi, có thể chụp được nhiều hình một lúc. Một ống kính chụp những hình ảnh góc rộng về mặt trăng ở độ phân giải trung bình. Một ống kính thứ hai dành cho việc chụp từ xa chụp những hình ảnh có độ phân giải cao, có thể cho thấy rõ những chi tiết trên mặt trăng có kích thước chỉ nhỏ 5 mét.
Toàn bộ hệ thống máy chụp hình này có khả năng phơi phim, rửa phim và xử lý phim ngay trên tàu vũ trụ trong khi nó đang di chuyển liên tục quanh mặt trăng giữa các thái cực nhiệt độ nóng và lạnh, ở bất kỳ độ cao nào từ 27 cho đến 5.920 km cách bề mặt mặt trăng.
Sau khi chụp được những bức hình bằng các cuộn phim khổng lồ 70mm, một dải electron sẽ quét mỗi bức hình đã rửa trước khi truyền chúng trở về Trái đất nhờ các sóng vô tuyến.
Bức hình “Trái đất mọc” hay là một khám phá ngẫu nhiên đầy bất ngờ
Vào một thời điểm trong hành trình của tàu Lunar Orbiter 1, NASA đã suy nghĩ đến việc chĩa ống kính của con tàu về hướng Trái đất, đồng nghĩa phải quay hướng con tàu Lunar Orbiter ngược lại.
“Điều đó đã không được lên kế hoạch trước”, Williams kể lại. Định vị lại vệ tinh là một việc tiềm ẩn nguy cơ rất cao. “Nếu bạn quay ngược tàu lại rất có thể nó sẽ không bao giờ có thể quay về Trái đất nữa. Bạn không muốn làm hỏng nhiệm vụ của một con tàu không cần thiết”.
Bức hình nổi tiếng “Trái đất mọc” được chụp từ vũ trụ bởi tàu Lunar Orbiter 1, thể hiện Trái đất đang mọc lên duyên dáng trên đường chân trời của Mặt Trăng, năm 1966. (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ ở NASA sau đó tranh cãi liệu rằng họ có nên cố gắng quay ngược hướng tàu vũ trụ lại không. Cuối cùng, người ta quyết định họ muốn chụp một bức ảnh Trái đất, và họ sẽ không đổ lỗi cho ai nếu có điều gì bất trắc xảy ra trong khi định vị lại con tàu lập bản đồ Mặt trăng.
Và thế là, vào ngày 23 tháng 8, tàu vũ trụ đã chụp thành công một bức ảnh “Trái đất mọc”, hành tinh màu xanh đang mọc lên trên đường chân trời của Mặt trăng.
“NASA đã in bức hình và họ đã tạo ra poster cho nó để phát làm quà tặng cho tất cả mọi người”, Friedlander hồi nhớ lại. “Các thượng nghị sỹ Mỹ và các nghị viên quốc hội Mỹ đã tặng nó làm quà cho các cử tri và giới chức”.
Sau đó, nhiều bức hình nổi tiếng về trái đất đã được chụp, trong đó có bức hình tên Viên cẩm thạch xanh (Blue marble) chụp trái đất từ một tàu Apollo. Tuy nhiên, hệ thống camera chụp bức ảnh đầu tiên về trái đất đã không bao giờ được sử dụng từ sau chương trình Lunar Orbiter của Mỹ.
Nhiệm vụ của các tàu Lunar Orbiter đã lùi vào quá khứ từ lâu, tuy nhiên bức hình Trái đất đầu tiên do nó chụp vẫn tiếp tục gợi cảm hứng cho nhiều nhà khoa học thiên văn và phi hành gia.
“Chúng ta đang ở trên hành tinh bé nhỏ này. Chúng ta chỉ là một phần của hệ mặt trời rộng lớn trong ngân hà khổng lồ và trong vũ trụ bao la. Đó là lý do tại sao bức hình này quan trọng, bởi vì đây là lần đầu tiên mà bất kỳ một con người trên trái đất hiểu được điều này”, ông Friedlander bình luận.
Theo Vietnamnet