Những lời đồn đại về một con thú khổng lồ có hình thù lạ tại Congo khiến các nhà thám hiểm thực hiện vài chục chuyến đi tới châu Phi từ thế kỷ 19.
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, tiến sĩ Roy Mackal, một nhà sinh học của Đại học Chicago tại Mỹ, dẫn hai đoàn thám hiểm tới đầm lầy Likouala rộng lớn và khu vực rừng nhiệt đới tại Congo để tìm kiếm một con vật bí ẩn có tên Mokele-mbembe. Người ta gọi nó là “quái vật hồ Loch Ness của châu Phi”, BBC cho biết.
“Hồi ấy khu vực đầm lầy Likouala và rừng nhiệt đới tại Congo giống như nơi tận cùng của thế giới. Khi tới đó bạn sẽ có cảm giác như đang sống trong thời tiền sử”, Mackal hồi tưởng.
Người ta kể rằng Mokele-mbembe có hình dạng giống một con động vật bò sát khổng lồ với cổ và đuôi dài.
Mặc dù không ăn thịt, nó thường rống lên nếu con người tới gần. Một số người kể nó có một sừng và đó là vũ khí để nó giết những con voi.
Hình vẽ phác thảo Mokele-mbembe theo lời kể của nhân chứng. (Đồ họa: BBC)
Mackal từng hy vọng ông sẽ phát hiện một con vật mà giới khoa học chưa từng biết.
Các nhà khoa học đã thực hiện 50 chuyến thám hiểm tới Congo để tìm kiếm Mokele-mbembe, song họ vẫn chưa có bằng chứng đáng thuyết phục về sự tồn tại của nó, trừ một dấu chân lớn của một con vật có móng vuốt mà một nhà truyền giáo Pháp tìm thấy vào năm 1776. Những bức ảnh về con vật khá mờ nhạt và chẳng chứng tỏ được điều gì. Song số lượng câu chuyện về quái thú bí ẩn lại khá nhiều.
“Hôm ấy thuyền của chúng tôi đang bơi trên sông thì Mokele-mbembe ngoi lên. Nó đuổi theo thuyền và chúng tôi phải tháo chạy”, một người đàn ông kể với BBC.
Paul Ohlin, một chuyên viên phát triển cộng đồng từng sống hơn 10 năm tại Congo và Trung Phi, nói rằng những người sống quanh đầm lầy Likouala và rừng nhiệt đới tin rằng Mokele-mbembe tồn tại.
“Khi người dân bản địa ngồi xung quanh đống lửa, họ nói về Mokele-mbembe giống như một điều gì đó có thực trong cuộc sống hàng ngày. Họ có mối liên kết tâm linh với nó”, Ohlin nói.
Adam Davies, một công dân Anh thường xuyên đi khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm sinh vật lạ, từng tới châu Phi hai lần để săn lùng Mokele-mbembe. Ông cho rằng người nghe không nên tin mọi chi tiết trong những câu chuyện về con vật.
“Những câu chuyện về Mokele-mbembe được bao phủ bởi vô số chi tiết thần thoại”, ông giải thích.
Nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn những con vật bí ẩn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Song một số người chỉ ra rằng giới khoa học từng chứng minh được sự tồn tại của một số con vật được cho là “sản phẩm của trí tưởng tượng”.
Chẳng hạn, trong những năm 80 của thế kỷ 19, nhiều người kể họ thấy một con vật lạ giống con lừa ở Congo. Nó có móng guốc và những sọc ở chân.
Mãi tới năm 1901, các nhà khoa học đã có bằng chứng xác thực về sự tồn tại của con vật. Đó là loài okapi, một họ hàng của hươu cao cổ.
“Tôi xếp Mokele-mbembe vào danh sách những con vật không thể tìm thấy, giống như quái vật Loch Ness. Linh tính mách bảo tôi rằng khả năng nó tồn tại là rất nhỏ”, Bill Laurance, giáo sư sinh học bảo tồn của Đại học James Cook tại Australia, phát biểu.
Nhưng Laurence cũng nhấn mạnh rằng, điều đầu tiên mà các nhà khoa học cần ghi nhớ là: Mọi khả năng đều có thể xảy ra. “Con người vẫn liên tục phát hiện những loài sinh vật mới”, ông nói.
Theo BBC, VNE