Báo động trước nguy cơ hai ngọn núi lửa phun trào cùng với một trận động đất vừa xảy ra đã khiến quốc đảo Indonesia ngày 20/3 chấn động.
Sau những trận mưa lớn ngày 19/3, núi lửa Merapi bắt đầu đổ xuống sườn núi những dòng nham thạch lạnh, gồm cát, đá và và những tảng đá cuội khổng lồ.
Đến ngày 20/3, một số con sông ở huyện Sleman thuộc đặc khu Yogyakarta, đảo Java, Indonesia đã được đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ bị ngập trong dung nham lạnh. Ít nhất 41 ngôi nhà quanh khu vực núi lửa đã bị chôn vùi trong dòng dung nham lạnh, một số con đập bị phá hỏng. Nhiều gia đình phải đi sơ tán, song hiện chưa có tin thiệt hại về người.
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm ngoái, núi lửa Merapi cũng hoạt động mạnh làm hàng trăm người chết và bị thương, hơn 350.000 người phải đi sơ tán, phá hủy hơn 800 hécta đất canh tác, gây thiệt hại vật chất tới hơn 33 tỷ Rupiah.
Cùng ngày, ít nhất 600 người sống quanh khu vực núi lửa Karangetang, nằm trên đảo Siau, ngoài khơi đảo Sulawesi, phải đi sơ tán sau khi mức độ phun trào của núi lửa này được nâng lên báo động đỏ từ ngày 19/3. Karangetang là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Trong đợt phun trào tháng 8/2010, núi lửa này đã cướp đi sinh mạng của bốn người.
Tại khu vực phía Nam tỉnh Tây Java, Cơ quan thời tiết, khí tượng và địa vật lý của Indonesia đã ghi nhận một trận động đất 5,3 độ Richter. Tâm chấn động đất ở sâu dưới biển 10km và cách thị trấn Sukabumi khoảng 113km về phía Tây Nam của tỉnh Tây Java.
Indonesia nằm trong “Vành đai lửa” Thái Bình Dương nên thường xuyên hứng chịu động đất và núi lửa.
Theo TTXVN