Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) vừa công bố báo cáo về thiệt hại do thảm họa thiên tai gây ra tại Indonesia từ năm 2013 đến tháng 2/2014.
>>> Indonesia: Núi lửa phun trào như hàng nghìn quả bom phát nổ
Cơ quan này đã đưa ra khuyến cáo rằng sự sẵn sàng ứng phó với các thảm họa thiên tai của quốc đảo này vẫn còn thấp cho dù đất nước nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất và núi lửa hoạt động, chưa kể đến tình trạng lũ lụt, lở đất và cháy rừng thường niên trên quy mô lớn.
BNPB cũng khuyến cáo chính phủ Indonesia cần chú trọng hơn nữa đến các vấn đề liên quan đến thảm họa thiên tai và ứng phó với thảm họa thiên tai, nhất là cải thiện và nâng cao nhận thức, hiểu biết của toàn dân về thiên tai và phòng chống thiên tai thành một thái độ, thực hành xã hội hay văn hóa.
Binh sỹ Indonesia sơ tán người dân gần khu vực núi lửa Kelud phun trào. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu của BNPB, Sutopo Purwo Nugroho cho biết, vấn đề giảm nhẹ thiên tai đã không được ưu tiên kế hoạch phát triển năm năm của chính quyền các địa phương, dẫn đến phân bổ ngân sách địa phương cho giảm nhẹ thảm họa thiên tai chỉ chiếm khoảng 0,5%.
Ông Sutopo Purwo Nugroho nhấn mạnh rằng, cần phải dành ưu tiên cho giảm nhẹ thảm họa thiên tai ở mức coi đầu tư vào lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển. Thảm họa thiên tai không thể tránh khỏi, song nguy cơ xảy ra và mức độ thiệt hại có thể giảm nhờ sự chủ động của con người.
Theo BNPB, tại Mỹ, 1 USD đầu tư cho chương trình giảm nhẹ thảm họa thiên tai có thể làm giảm bớt 7 USD thiệt hai do thiên tai gây ra, và tỷ lệ tiết kiệm này ở châu Âu còn cao hơn, tới 10-40 USD.
Thống kê của BNPB cho thấy từ đầu năm 2013 đến tháng 2/2014 đã có ít nhất 197 người chết, 64 người bị thương và 1,6 triệu người phải đi sơ tán vì thảm họa thiên tai ở Indonesia. Thiệt hại về mặt vật chất ước lên tới hàng nghìn tỷ rupiah, trong đó có một số thảm họa lớn như lũ quét ở Bắc Sukawesi (1.870 tỷ rupiah), núi lửa Sinabung ở Bắc Sumarta phun trào (1.000 tỷ rupiah), USD), lũ lụt ở Bắc Java (6.000 tỷ rupiah) và ngập lụt ở Jakarta (5.000 tỷ rupiah).
Và mới đây nhất đã có ít nhất 7 người chết, 13 người bị thương, 200.000 người dân phải đi sơ tán, nhiều sân bay và tuyến đường giao thông phải đóng cửa vì núi lửa Kelud trên đảo Java phun trào.
Theo Vietnam+