Các nhà sinh thái học Indonesia áp dụng công nghệ đơn giản để tạo ra đá sinh học dưới đáy biển, nhằm bảo vệ các rạn san hô.
Dùng đá sinh học bảo vệ san hô
Cấu trúc bằng thép được đặt dưới đáy biển bên các rạn san hô, kết nối với một dòng điện nhỏ, phản ứng với khoáng chất có trong nước biển theo nguyên lý điện phân và hình thành một lớp đá vôi quanh các thanh thép. Kết cấu này sẽ bảo vệ các rạn san hô đã và đang bị hư hỏng do hoạt động của con người như sử dụng lưới và thuốc nổ để đánh bắt cá, hay chương trình du lịch.
Phương pháp bảo vệ bằng kết cấu thép có thể bảo vệ san hô và các sinh vật biển khác (Ảnh: Science Photo Library)
Khi phát hiện san hô hư hỏng, thợ lặn sẽ đưa chúng đến nơi đặt đá sinh học. Delphine Robbe, quản lý tổ chức điều hành dự án Gili Eco Trust, cho biết san hô ở đây sẽ hồi phục nhanh hơn 20 lần và có cơ hội sống sót cao hơn 50 lần. Sau khi được chữa lành hoàn toàn, san hô được đưa trở về vị trí cũ.
Ngoài tác dụng bảo tồn san hô, đá sinh học có thể trở thành nơi trú ẩn cho sinh vật biển khác như tôm hùm và cá con. Chúng còn tránh xòi mòn và bảo vệ bờ biển bằng cách làm lắng đọng cát, ngăn cát bị cuốn ra ngoài theo sóng. Trong vài năm qua, một số phần của bờ biển đã mở rộng khoảng 15 m nhờ tác dụng này. Đá nhân tạo cũng chứng minh được khả năng đứng vững trước thảm họa thiên nhiên như sóng thần.
Dự án bắt đầu cách đây hơn 10 năm và hiện có 111 hệ thống quanh ba hòn đảo phía tây bắc đảo Lombok, Indonesia. Theo BBC, các nhà khoa học đang nghiên cứu phương án khai thác năng lượng thủy triều. Khi đó, các tuabin biển đóng vai trò như tuabin gió ở dưới nước.
Theo VnExpress