Tân Hoa xã đưa tin, Indonesia đang lên kế hoạch phóng vệ tinh Lapan A2 để theo dõi giao thông trên các vùng biển rộng lớn của nước này.
Người đứng đầu Viện Hàng không Vũ trụ (Lapan) giải thích về khả năng của Lapan A2. |
Vệ tinh nặng 78kg nói trên được thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm trong nhà bởi Viện Hàng không Vũ trụ (Lapan) và sẽ là vệ tinh đầu tiên của Indonesia hoạt động trong quỹ đạo xích đạo và được trang bị hệ thống dao cảm tự động.
Ông Suhermanto, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật vệ tinh thuộc Lapan, cuối tuần qua cho biết vệ tinh Lapan A2 sẽ được phóng vào giữa năm sau bằng tên lửa đẩy PSLV-C23 của Ấn Độ từ căn cứ ở Sriharikota (Ấn Độ).
Do hoạt động trên quỹ đạo xích đạo nên Lapan A2 sẽ bay qua lãnh thổ Indonesia đến 15 lần/ngày, nhiều hơn đáng kể so với vệ tinh Lapan Tubsat.
Lapan Tubsat được phóng năm 2007 và quay trên quỹ đạo địa cực, do đó chỉ có thể bay qua Indonesia 2-3 lần/ngày, quá ít để theo dõi các vùng biển của Indonesia nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động đánh bắt cá trái phép và cũng là địa bàn quá cảnh của những tàu thuyền thực hiện các tội ác xuyên quốc gia.
Thiết bị giao cảm của Lapan A2 – Hệ thống nhận dạng tự động, sẽ có khả năng đánh dấu tối đa 2.000 tàu trong một khu vực bao quát đơn lẻ đồng thời có thể xác định vị trí, tốc độ, điểm đến và đặc điểm kỹ thuật của các tàu trong vùng biển của Indonesia.
Vệ tinh sẽ hoạt động ở độ cao 650km, từ đó có thể phát hiện sự truyền phát tín hiệu từ các tàu nằm trong bán kính hơn 100km. Dữ liệu thu thập được từ hệ thống theo dõi sẽ cho phép cơ quan chức năng nhanh chóng phân biệt những tàu có giấy phép hợp lệ với những tàu hoạt động trái phép.
Dự án vệ tinh Lapan A2 được thông qua năm 2008 và bắt đầu được chế tạo từ năm 2010.
Theo Vietnam+