Khi nhắc tới tên lửa, người ta sẽ nói ngay về kích thước. Jeff Bezos (CEO Amazon) và Elon Musk (CEO SpaceX) đều hiểu điều này, bởi cả hai nhà tỷ phú này đều sở hữu các công ty vũ trụ của riêng mình.
Hiện công ty hàng không SpaceX của Elon Musk đang sử dụng tên lửa Falcon 9 để vận chuyển một lượng lớn hàng hoá lên quỹ đạo cho NASA và các công ty khác trên toàn thế giới. Còn công ty Blue Origin của Jeff Bezos thì đang thử nghiệm tên lửa New Shepard được thiết kế để đưa con người bay lên rìa không gian trong các chuyến bay trong quỹ đạo.
Hai nhà tỷ phú này có một mối quan hệ cạnh tranh thân thiện trên lĩnh vực hàng không vũ trụ, thường xuyên “chọc ngoáy” Twitter của nhau về những thành tựu mà mình đạt được. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc rốt cuộc tên lửa của ai to hơn hay không?
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cao hơn New Shepard của Blue Origin đến gần 52 mét. Falcon 9 có chiều cao 70 mét, trong khi New Shepard thì chỉ cao khoảng 18,3 mét mà thôi.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cao hơn New Shepard của Blue Origin đến gần 52 mét.
Thế nhưng cả hai tên lửa này đều là “những gã lùn” khi so với tên lửa của NASA.
Tên lửa Saturn V của NASA từng đưa con người lên mặt trăng cao đến hơn 110 mét, tức là cao hơn Falcon 9 đến gần 30,5 mét. Tên lửa lớn tiếp theo của SpaceX là Falcon Heavy, dự kiến bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 1/2018, cũng chỉ cao bằng Falcon 9 mà thôi.
Tuy nhiên, Blue Origin đang lên kế hoạch xây dựng tên lửa 3 tầng New Glenn, mà khi nó xuất hiện sẽ là đối thủ đáng gờm của Saturn V, đạt mức gần 95,5 mét.
Nói vậy thôi chứ thực ra chẳng mấy ai đi so kích thước tên lửa cả. Các tên lửa của Bezos và Musk tuy nhỏ, nhưng đều có vị trí và chức năng riêng của chúng trong ngành công nghiệp vũ trụ.
Falcon 9 và New Shepard là hai tên lửa rất khác biệt.
Falcon 9 và New Shepard là hai tên lửa rất khác biệt. New Shepard được thiết kế để mang các khách hàng bay xa khoảng 100km rồi thả họ xuống Trái Đất bằng một khoang chứa có gắn dù.
Falcon 9 có nhiệm vụ khác: mang hàng hoá lên quỹ đạo, và một ngày nào đó sẽ mang con người lên trạm vũ trụ quốc tế ISS nếu mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch.
Cả Falcon 9 và New Shepard đều được thiết kế để tái sử dụng, có khả năng quay lại Trái Đất sau khi đã mang hàng hoá lên quỹ đạo.
Theo quy luật từ trước tới nay, tên lửa lớn hơn như Falcon 9 sẽ có khả năng đưa bạn bay xa hơn vào không gian, đưa bạn lên quỹ đạo, và mang bất kỳ thứ gì bạn muốn gởi lên một cách dễ dàng. Còn các tên lửa nhỏ hơn, như New Shepard, sẽ thích hợp hơn để chuyển những hàng hoá nhỏ hơn tới quỹ đạo hoặc rìa không gian.
Rõ ràng, bạn không muốn phí nhiên liệu khi sử dụng một chiếc tên lửa cực lớn chỉ để vận chuyển một lượng hàng hoá nhỏ vốn có thể được mang bởi một chiếc tên lửa nhỏ hơn chứ?
Vì lý do đó, so sánh kích thước tên lửa chỉ là một cách “chém gió giải trí” mà thôi, vì kích cỡ xét cho cùng cũng không quan trọng lắm.
Theo Trí Thức Trẻ