Jimmii JC Nguyễn, nghệ sĩ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Grammy lần thứ 39
Jimmii JC Nguyễn đã trở thành người gốc Việt duy nhất được đề cử giải Grammy vào năm 22 tuổi khi anh được Hội đồng giải Grammy kỳ thứ 39, tức năm 1998, đề cử anh trong danh sách giải “Nghệ Sĩ Mới Trong Năm” với bài hát “Mãi mãi bên em” – ca khúc dành cho người em gái bị tai nạn qua đời mà nhiều người nhầm lẫn là viết về tình yêu.
Đây là một vinh hạnh cho riêng cá nhân anh nhạc sĩ trẻ này và niềm hãnh diện cho Cộng Đồng người Việt, vì giải Grammy là giải thưởng Âm Nhạc có giá trị nhất tại Hoa Kỳ, mà người Nhạc Sĩ nào tại Mỹ cũng muốn được đề cử vào.
Là một nhạc sĩ có đầu óc sáng tạo, với dòng nhạc có giai điệu mới lạ Jimmii Nguyễn đã đốn tim biết bao người hâm mộ quốc tế. Sau khi về Việt Nam biểu diễn, Jimmii còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện một cách thầm lặng với tất cả tấm lòng.
Anh còn là một Facebooker “tên tuổi” với những chính kiến phân tích, bình luận một cách logic và “hợp tình hợp lý” những vấn đề nóng của xã hội. Mới đây, một chia sẻ của anh trước vấn đề sự đánh đồng của người hâm mộ về giá trị của người nổi tiếng và người có văn hóa nhân vụ một nữ ca sĩ cho con tè vào túi nôn trên máy bay, sau đó còn thách thức dư luận bằng bức ảnh đầy hàm ý “Không nói được gì tử tế thì hãy im lặng” đang gây bão cộng đồng mạng.
Sau đây, Phụ nữ và Gia đình xin đăng tải status trên của anh:
Thay vì lên tiếng xin lỗi công chúng, nữ ca sĩ lại ẩn ý công kích dư luận
Có bạn hỏi tôi:
-“Anh nghĩ gì trước những việc tiêu cực vô văn hóa của những ngôi sao nghệ thuật lần lượt được công chúng phát hiện và lên tiếng. Gần đây nhất là việc trên máy bay, một ngôi sao âm nhạc thay vì bế con vào buồng vệ sinh, cô ta lại cho con tè ngay tại ghế làm văng tung tóe rất mất vệ sinh và phản cảm. Khi tiếp viên để nghị và góp ý nên đưa bé vào phòng vệ sinh thì cô ta không thèm nói một lời chỉ nhìn với ánh mắt lạnh lùng. Công chúng như em đang chỉ trích không tiếc lời về những ngôi sao nghệ thuật có những tác phong hay thể hiện những hành động vô văn hóa này? Giới làm nghệ thuật bây giờ khó hiểu quá anh ơi.”
Là người làm nghệ thuật, tôi xin được chia sẻ.
Điều công chúng cần làm là phải tự trách mình trước khi chỉ trích bất cứ ngôi sao nào.
Vì sao?
Vì sự ấu trĩ của số đông công chúng đang cổ súy, vinh danh, thần tượng một cách “vì đó là em: không cần biết em là ai hay từ đâu” cho những ngôi sao của họ. Công chúng thường bị nhập nhằng nhận định giữa hư với thật, tốt và xấu.
Một số đông, rất đông công chúng không thể nhận thức điểm khác biệt giữa người có khả năng ca hát và diễn xuất với người có văn hóa và kiến thức. Cứ ai hát hay, diễn xuất giỏi được nhiều người yêu thích thì công chúng vô tư trao cho cái bằng: “người có văn hóa” không cần biết ngôi sao này thực sự có văn hóa hay không.
Tên ăn trộm cũng có tài bẻ khóa hơn cả nhà ảo thuật gia chính hiệu nhưng không vì thế ta tôn vinh gã trộm này là ông hoàng ảo thuật gia và là người có văn hóa.
Đâu phải người mở được bất cứ ổ khóa nào là trở thành sao ảo thuật đâu? Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao hắn chọn nghề mở khóa để làm gì? Chúng ta phải xem lại quá trình hoạt động , tư cách, thái độ và lối sống để nhận định chứ. Biết đâu tài năng bẻ khóa này bắt đầu từ một điều mong muốn duy nhất là để… trộm thì sao?
Chúng ta cũng nên áp dụng suy nghĩ như trên với các ngôi sao nghệ thuật. Chúng ta phải tự hỏi tại sao các ngôi sao ca hát, diễn xuất để làm gì? Biết đâu mục đích của họ không phải đóng góp, giữ gìn phát huy văn hóa nghệ thuật mà đơn giản chỉ là: thành người nổi tiếng để tha hồ ăn sung mặc sướng, chơi bời thỏa thích, sống theo lối sống trác táng của mình mà vẫn lừa được xã hội để công chúng vẫn yêu thương, trân trọng và trân dụng? Sự đua đòi, bắt chước, ăn chơi, xa đọa, chích choác, tệ nạn của xã hội cũng từ một trong những lối đi được phong ngôi và thần tượng hóa này mà ra.
Ngày nào công chúng còn nhập nhằng giá trị giữa người nổi tiếng và người có văn hóa thì ngày đấy giá trị đạo đức của xã hội vẫn mãi bát nháo.
Cái áo không làm nên thầy tu, và là thầy tu cũng không có nghĩa là đã đắc được đạo.
Người Mỹ có câu tục ngữ: “A rotten apple spoils the barrel” có nghĩa là: “Con sâu làm râu nồi canh”.
Trời sinh ra ta có đôi mắt để nhìn tác phong và hành động bao lâu nay của kẻ khác, đôi tai để nghe những lời nói xuất phát tự tâm và bộ não để cảm nhận cái tâm đấy dã hay thiện, đúng hay sai để biết cổ súy cho đúng nghĩa, đúng người. Nếu cả ba đều bị hỏng thì làm sao chúng ta có thể chỉ trích ngôi sao không hoàn thiện khi chính ta lại là phế nhân?
Những người có kiến thức, văn hóa, có vai trò lãnh đạo trong công chúng thì lại im lặng. Có thể họ xem nhẹ vấn đề, họ cho rằng không cần thiết phải bàn đến. Có thể họ quá mệt mỏi với tình trạng xã hội bát nháo. Thế nhưng một đứa bé cũng có thể hét lên và nói không với những gì không đúng. Thế còn ta, tại sao không? Làm sao thay đổi khi ta không làm gì hết để thay đổi?
Xin hãy nhớ cho, một người công chúng có văn hóa vẫn giá trị hơn một người “của công chúng” nhưng vô văn hóa. Lý do gì công chúng phải tôn vinh người thấp kém, thua cả chính mình?
Trong khi những người có khả năng, có điều kiện để thay đổi xã hội trở nên tốt hơn đang bị nghẽn mạch, tắt đường suy nghĩ thì tệ nạn văn hóa mới có cơ hội được cổ súy. Sự mất trật tự, mất cân bằng, vô lối này tiếp tục tiếp diễn và phát triển theo kế hoạch của những con buôn, tập đoàn kinh doanh qua văn hóa.
Đơn giản. Xã hội cổ suý và thần tượng hoá những điều vô nghĩa đồng nghĩa với việc trở thành một xã hội vô nghĩa.
Có gì đâu khó hiểu.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.