Mùa thu năm 2006, nhân dịp sang công tác tại Mỹ, đoàn các nhà khoa học Việt Nam đã có chuyến thãm Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trong 10 ngày (1-10/8). TS. Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện tử-Viện Cơ học vào thời điểm diễn ra chuyến thăm này và hiện nay là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ đã có bài viết riêng cho VietNamNet ghi nhận một vài cảm tưởng trong chuyến thăm nói trên.
Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách 40 nước nghèo nhất hành tinh, nhưng Đảng và Chính phủ vẫn quyết tâm đầu tư phát triển Công nghệ cao cho quốc gia.
Ngày 20/11/2006, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Viện Công nghệ vũ trụ, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Viêt Nam. Cũng bởi lý do ấy, mùa thu năm 2006, chúng tôi đã có chuyến thăm NASA, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ.
Để có chuyến thăm này, GS. Robert Bishop, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Vũ trụ, Đại học Texas – một người bạn của chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo từ nhiều tháng trước. GS. Bishop đã từng làm việc và hiện vẫn đang hợp tác với NASA.
Bên trong phòng thí nghiệm “Kibo” của Nhật. Người hướng dẫn
đang mô tả các thí nghiệm được thực hiện.
Với mối quan hệ của ông, đoàn khách của Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam đã được mời thăm Trung tâm điều khiển Vũ trụ của NASA tại Houston với danh nghĩa là khách mời của Giám đốc Trung tâm.
Trung tâm điều khiển vũ trụ NASA là một “thành phố nhỏ” với các mô hình tên lửa có thể nhìn thấy từ rất xa. Vào 8 giờ 30 sáng hôm ấy, chúng tôi được thư ký Giám đốc Trung tâm điều khiển Vũ trụ -NASA đón trước cổng trung tâm, qua cửa kiểm tra an ninh và chính thức bước vào NASA.
Trên đường vào trung tâm, cô thư ký đã cho biết tóm tắt về “Thành phố vũ trụ” thu nhỏ này.
Trùng với tuổi của tôi, trung tâm NASA này được bắt đầu đi vào sử dụng từ nãm 1961, hiện có khoảng 17.500 người đang làm việc. Đây chính là nơi đã điều khiển các tàu vũ trụ Gemini, Apollo, hiện nay là tàu Con thoi, trạm vũ trụ quốc tế ISS, và các chương trình khám phá vũ trụ khác.
Tuy nhiên, không như hình dung về tính nghiêm mật của NASA, hàng năm có khoảng 800.000 người ở mọi lứa tuổi đến đây tìm hiểu về lịch sử, hiện tại và tương lai của các chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ.
Sau 10 phút đi bằng ôtô, chúng tôi đã đến trước cửa khu trưng bày trạm vũ trụ quốc tế ISS và tàu Con thoi.
Đã có một cán bộ phụ trách đợi trước cổng, thông báo rất nhanh các qui định khi thăm và giới thiệu các hạng mục chính tại đây…
NASA: Nơi làm việc của các nhà khoa học quốc tế
Bên mô hình thu nhỏ toàn cảnh tổng thể trạm vũ trụ quốc tế ISS khi Tàu Con thoi gắn vào, chúng tôi đã thấy các phòng thí nghiệm (Modul) của Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.., rô-bốt trên trạm, hệ thống pin mặt trời cung cấp nãng lượng cho trạm. Mô hình cũng mô tả quá trình gắn tàu con thoi vào trạm, cho xem rõ việc sinh hoạt, đi lại của các phi công vũ trụ trên đó.
GS. Nguyễn Khoa Sơn (trái) và TS. Phạm Anh Tuấn (phải) đứng
trước Khu điều khiển vũ trụ.
Thật là khâm phục khi biết đây là một trung tâm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc rất nhiều quốc gia cùng thực hiện trên vũ trụ.
Điểm đặc biệt chính là ở chỗ, các chi tiết này được các nhà khoa học ở 16 nước khác nhau thiết kế chế tạo, nhưng khi mang lên độ cao hàng trăm kilomet bên ngoài Trái Đất nhưng vẫn “khớp” 100% như in với nhau!
Sau khi nghe giới thiệu tổng thể, đoàn vào thăm phòng thí nghiệm của các nước.
Tại phòng thí nghiệm của Nhật Bản, chúng tôi được truyền niềm say mê của người kỹ sư giới thiệu khi anh mô tả về phòng thí nghiệm của trạm ISS.
“Phòng thí nghiệm bay” này có từng ô nhỏ thực hiện các thí nghiệm về sinh học, vật liệu mới, khoa học sự sống trên vũ trụ… Quả thật, một phòng thí nghiệm hiện đại như vậy, dù chỉ ngay trên mặt đất vẫn là ước mơ của các nhà khoa học Việt Nam.
Nơi tiếp theo đoàn được tới thăm là một cái tên rất nổi tiếng: Tàu Con thoi.
Chuẩn bị tất cả cho con người bay vào vũ trụ
Toilet trong tàu con thoi |
Dù đã từng nhìn thấy qua màn ảnh, chúng tôi vẫn không thể hình dung về chiếc tàu này… Ai cũng tranh thủ đứng trước chiếc “máy bay vũ trụ” to gần như chiếc Boeing 777 thường thấy, tuy nhiên cửa ra vào tròn và nhỏ, dành cho chỉ một người chui lọt.
Như đọc được mong muốn của chúng tôi muốn làm hành khách của chiếc máy bay vũ trụ nổi tiếng này, người kỹ sư trẻ mời tất cả vào buồng lái để thử làm “phi công vũ trụ”.
Lần lượt mọi người trong “đội bay” chúng tôi chui vào buồng lái, rồi thay nhau làm phi công vũ trụ.
Chưa bao giờ được làm phi công máy bay thường chứ đừng nói đến việc được lái tàu con thoi nên cảm giác thật ấn tượng! Khác với buồng lái máy bay thường với các ô kính phía trước và hai bên, phi công tàu con thoi còn có thể quan sát cả qua cửa kính trên nóc buồng lái, trong trường hợp tàu bay song song phía dưới trạm vũ trụ ISS.
Sau vài phút lái bay bổng trên vũ trụ, chúng tôi trở lại cuộc sống thường để hỏi xem các nhà du hành sinh sống như thế nào ở đây trong suốt chuyến bay, thường là từ 7-10 ngày.
Anh kỹ sư vui vẻ kể về cuộc sống đời thường của các phi hành gia: Đây là cái võng để ngủ, kia là toilet… Tất cả đều có các thiết bị đặc biệt để đảm bảo hoạt động trong điều kiện không trọng lượng.
Tuy nhiên, không phải nhu cầu nào của các nhà du hành vũ trụ đều đã có thể được đáp ứng. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu trường hợp khi có một đôi nam – nữ phi hành gia yêu nhau cùng làm việc trên tàu, nhất là khi phải làm việc dài ngày trên vũ trụ thì phải tạo điều kiện thế nào để họ có thể vừa làm việc, vừa có cuộc sống lứa đôi… như họ đang sống trên mặt đất!
Lá quốc kỳ Mỹ đã từng được cắm trên Mặt trăng. |
Quả là không thể quên, ở bất cứ đâu, với bất kỳ trình độ nào của công nghệ, con người vẫn luôn là đối tượng, là mục tiêu mà khoa học cần phải trân trọng hướng tới…
Sau khi luyến tiếc rời tàu Con thoi, chúng tôi ghé thăm Trung tâm điều hành các chuyến bay vào vũ trụ của Mỹ trước đây.
Nơi đây đã được sử dụng để điều hành các chuyến bay của tàu Apollo và tàu Con thoi đến năm 1996. Sau 10 năm, các thiết bị vẫn được giữ nguyên trạng.
Cán bộ hướng dẫn đã mô tả rất chi tiết qui trình và các thao tác mà nhân viên điều khiển mặt đất phải thực hiện khi điều hành các chuyến bay này. Mỗi chuyến bay đều có logo riêng cho từng nhiệm vụ của chuyến bay với danh sách danh dự của phi hành đoàn.
Tại đây cũng có các hiện vật gắn liền với lịch sử phát triển hàng không vũ trụ Mỹ. Lá quốc kỳ Mỹ đã được cắm trên Mặt Trăng khi lần đầu tiên quốc gia này đặt chân lên Mặt Trăng hiện đang được lưu giữ tại trung tâm. Câu chuyện của tàu Apollo 13 thoát hiểm trở về cũng được ghi lại ở đây với mảnh gương trên tàu do phi hành đoàn tặng trung tâm điều khiển sau khi về Trái Đất an toàn.
Từ nãm 1996 trung tâm điều khiển vũ trụ được chia làm 2 bộ phận độc lập: trung tâm điều khiển tàu Con thoi và trung tâm điều hành trạm nghiên cứu vũ trụ quốc tế ISS.
Tại mỗi trung tâm đều có 3 màn hình lớn riêng biệt có thể luôn quan sát được vị trí của tàu Con thoi và vị trí trạm vũ trụ quốc tế ISS so với các khu vực của trái đất. Đặc biệt là hình ảnh về hoạt động của các nhà du hành vũ trụ trên không gian luôn được báo về Trái Đất tại đây.
Danh sách các nhà du hành của mỗi chuyến bay vũ trụ và logo của mỗi chuyến bay lên vũ trụ được lưu tại đây. |
Điểm thú vị là, khi phi hành đoàn ngủ, tàu và trạm được điều khiển bởi chính các nhân viên làm việc tại trung tâm mặt đất này. Chúng tôi đã được quan sát trực tiếp các thao tác rất chuyên nghiệp của các nhân viên tại đây. Đáng tiếc là do yêu cầu công việc bên trong phòng điều khiển nên đoàn không được chụp ảnh.
Điểm tiếp theo của chuyến thăm NASA là trung tâm huấn luyện các nhà du hành vũ trụ của Mỹ và quốc tế. Trên đường tới đây với gần 10 phút bằng ô tô, các khu nhà của thành phố vũ trụ lướt qua thật bình yên, hiền hoà.
Bước qua cửa, đập vào mắt chúng tôi là một “bể bơi” khổng lồ, to như sân bóng đá.
Mô hình nguyên dạng của tàu Con thoi và trạm ISS được ngâm bên dưới bể. Mục đích của bể bơi lớn này là để các nhà du hành vũ trụ tập luyện trước mỗi chuyến bay. Ngay trong lúc chúng tôi tham quan, dưới bể đang có một nhóm các phi hành gia luyện tập.
Đây là bài luyện các thao tác mà họ phải thực hiện trong không gian khi bước ra khỏi tàu và trạm trên vũ trụ.
Hàng ngày mỗi nhà du hành phải tập trong 8 giờ, cứ 2 giờ dưới nước liên tục thì có 1 giờ nghỉ. Một khoá luyện tập ở đây kéo dài 3-6 tháng với chi phí khoảng 1 triệu USD cho mỗi phi hành gia.
Trước khi chia tay với thư ký của giám đốc trung tâm kèm theo rất nhiều tài liệu và các bức ảnh mô tả tỉ mỉ về Trung tâm điều khiển Vũ trụ của NASA tại Houston, chúng tôi được mời ăn trưa tại căn-tin. Ở đây có một khu bán đồ lưu niệm. Những món đồ kỷ niệm về NASA chắc chắn sẽ còn nhắc nhở tôi rất nhiều về chuyến đi đáng nhớ này…
Từ NASA nghĩ về Việt Nam
Trong giờ ăn trưa tại căn-tin của NASA, tôi thấy thấp thoáng nhiều người châu Á. Cô thư ký cho biết, có khá nhiều nhân viên NASA tại đây là người gốc Việt.
Tiềm năng của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ vũ trụ đang ở nước ngoài hẳn còn rất lớn. Trong chuyến thăm NASA đầu tiên này, chúng tôi chưa có dịp tiếp xúc với họ. Nhưng chắc chắn ngành công nghệ vũ trụ còn rất non trẻ của quốc gia đang rất cần sự trợ giúp của những người con xa quê đang góp phần làm rạng danh cho tổ quốc này.
Cửa ra vào của Phòng thí nghiệm |
Trong khi tham quan, tôi cũng nhận thấy có nhiều em học sinh trung học đi theo trường đến tham quan NASA. Các em được thày giáo và nhân viên NASA hướng dẫn tỉ mỉ về công nghệ vũ trụ. Các em còn được thực hành như các phi hành gia thực thụ. Những hình ảnh kỹ thuật công nghệ cao ở đây chắc chắn sẽ làm các em đặc biệt thích thú và để lại ấn tượng rất sâu sắc. Biết đâu có thể sau này, một số trong các em đang tham quan ở đây sẽ trở thành nhà khoa học hàng không vũ trụ hay phi hành gia nổi tiếng trong tương lai?
…Đứng ở ngay trụ sở NASA, tôi lại nghĩ tới đất nước mình ở bên kia bờ đại dương vẫn đang còn rất nghèo! Chúng ta có nhiều bảo tàng lưu giữ các kỷ vật lịch sử, vãn hoá, chiến tranh… nhưng đến khi nào, Việt Nam cũng sẽ có được một khu trưng bày khoa học và công nghệ, nơi có thể khơi dậy niềm say mê học hỏi nghiên cứu, sáng tạo của thế hệ trẻ?
Có lẽ, cũng đã đến lúc, các bảo tàng ở Việt Nam, bên cạnh việc tạo dựng niềm tự hào về quá khứ quang vinh của dân tộc cũng nên hướng các em học sinh đến tương lai của một quốc gia thoát nghèo, phát triển và chứng tỏ trước thế giới bằng tri thức và thành tựu khoa học công nghệ của mình. Dân tộc Việt sẽ có thể sánh vai với năm châu, như lời Bác dạy, khi chúng ta thổi được ngọn lửa đam mê khoa học công nghệ cho các em.
NASA, câu chuyện mà tôi tin có thể chia sẻ với bạn đọc trong dịp đầu xuân mới Đinh Hợi này…
GS. Robert Bishop và đoàn Việt Nam trước tàu Con thoi
Rô-bốt của “Tàu con thoi”
Bể nước ngâm mô hình “Tàu con thoi” và trạm ISS để các nhà du hành vũ trụ tập luyện trước mỗi chuyến bay
Trong phòng điều khiển vũ trụ, sử dụng từ nãm 1996
GS. Nguyễn Khoa Sơn trong buồng lái của Tàu con thoi
Bài và ảnh: TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ
Theo VietNamNet