Kẻ săn mồi phớt lờ những con mồi kỳ dị

Các tính trạng hiếm có luôn được duy trì trong các quần thể bởi động vật săn mồi có thể phát hiện các đặc điểm thông thường dễ dàng hơn. Các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng những con chim sẽ ăn thịt những con sa giông mang những đặc điểm phổ biến của quần thể, ngay cả tỷ lệ xuất hiện của một đặc điểm đặc trưng nào đó khác đi thì hành vi này cũng biến đổi tương ứng.

Benjamin Fitzpatrick thuộc đại học Tennessee cộng tác với Kim Shook và Reuben Izally trong nghiên cứu về tác động của sự nổi bật của sọc lưng trong một nhóm sa giông đối với hành vi săn mồi của bầy chim giẻ cùi xanh. Ông cho biết: “Sự duy trì một biến thể là một nghịch lý cổ điển trong tiến hóa bởi cả chọn lọc lẫn hiện tượng trôi dạt có xu hướng loại bỏ biến thể đó ra khỏi quần thể. Nếu một dạng biến thể nào đó có lợi, ví dụ như khó bị phát hiện hơn, nó sẽ thay thế mọi biến thể khác. Tương tự, sự trôi dạt ngẫu nhiên bản thân nó có thể gây ra sự biến mất của các tính trạng khác chỉ trừ một tính trạng khi không có sự khác biệt nào về thể chất. Do đó, chắc chắn phải có lợi ích cho phép các tính trạng khác thường được duy trì”. 

Trên hình là hai con sa giông. (Ảnh: Fitzpatrick et al., BMC Ecology)

Các tác giả đặt nhóm sa giông mẫu mang thức ăn tại một cánh đồng trong vòng 6 ngày, những con có sọc lưng có số lượng vượt trội so với những con không có sọc với tỷ lệ 9:1 hoặc ngược lại. Trong quãng thời gian tiến hành thí nghiệm, số lượng hai nhóm sa giông trở nên đều nhau. Chim giẻ cùi xanh có xu hướng tấn công những con sa giông nổi bật nhất trong quãng thời gian 6 ngày đầu. Theo Fitzpatrick, “chúng tôi tin rằng các dạng màu sắc khác nhau thể hiện các phương thức giấu mình vào nền rừng khác nhau. Việc tìm kiếm những gì bí ẩn đòi hỏi cả sự tập trung và luyện tập. Chim săn mồi tập trung vào việc tìm kiếm các con sa giông có sọc có thể sẽ không chú ý đến những con không có sọc”.

Fitzpatrick kết luận: “Do đó, sự duy trì biến dạng màu sắc ở các con sa giông sống trên cạn có thể được giải thích bằng một giả thuyết cổ nhất nhưng cũng hiển nhiên nhất – lợi ích của các dạng hiếm gặp tăng lên bởi động vật săn mồi có xu hướng không phát hiện thấy những con mồi hiếm gặp”.

Tài liệu tham khảo
Fitzpatrick et al. Frequency-dependent selection by wild birds promotes polymorphism in model salamanders. BMC Ecology, 2009; 9 (1): 12 DOI: 10.1186/1472-6785-9-12

 

Theo G2V Star (ScienceDaily)